NHỮNG NGƯỜI BỊ CÔNG AN TRIỆU TẬP, BỊ MỜI HAY TÙ NHÂN DỰ BỊ CẦN BIẾT.
Nguyễn Mạnh Hùng.
Các bạn thân mến
Bài dài nhưng rất bổ ích cho những người bị công an triệu tập, bị mời hay tù nhân dự bị, mong các bạn cố gắng đọc hết.
Nếu thấy hữu ích, các bạn nên copy về làm tư liệu để sử dụng khi cần.
Kể từ ngày 15/4/2020 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay, số người bị công an triệu tập hay mời tăng hơn rất nhiều so với thời gian trước đó. Chỉ chưa đầy 2 tháng đã có 33 người bị triệu tập và mời thông báo công khai trên mạng xã hội. Đây mới chỉ là số liệu tôi thu thập trên mạng, thực tế còn nhiều người bị triệu tập và mời không đưa lên mạng, mời miệng, mời qua điện thoại hay thông qua người khác.
Với sự hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân của mình, tôi xin chia sẻ với các bạn những kiến thức pháp luật dưới đây để thực hiện quyền công dân, quyền bình đẳng, mọi người phải tuân thủ đúng pháp luật.
...................................................................................................
Những người bị công an triệu tập, bị mời hay tù nhân dự bị cần biết:
1. Trước hết cần phải biết Quyền công dân được Hiến pháp minh định:
- Không ai bị coi là có tội, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Khoản 1 Điều 31 HP) .
- Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết ... (Điều 14 HP).
- Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật (Điều 16 HP)
Theo quy định trên thì người bị triệu tập hay mời chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì không có tội, vẫn đang có đầy đủ quyền công dân được Hiến pháp bảo hộ.
Theo đó, người có quyền triệu tập/mời và người bị triệu tập/mời đều bình đẳng trước pháp luật. Điều đó có nghĩa là khi làm việc thì người có quyền triệu tập/mời và người bị triệu tập/mời đều có quyền và nghĩa vụ tuân thủ pháp luật như nhau. Trước khi làm việc, người bị triệu tập/mời cần khẳng định với người triệu tập/mời mình là mình đang có đầy đủ quyền công dân, hai bên bình đẳng trước pháp luật và yêu cầu được nhận biên bản, ghi âm trong quá trình làm việc. Nếu người bị triệu tập/mời không được đáp ứng các yêu cầu đó thì yêu cầu ghi vào biên bản "Hôm nay, vào lúc ... giờ ngày ... tháng ... năm tôi có mặt theo Giấy triệu tập/mời nhưng cơ quan ... không cho tôi thực hiện quyền công dân của tôi nên nên tôi không chấp nhận buổi làm việc này, ký tên rồi bỏ về".
Tôi đã thực hiện quyền này nên từ năm 2016 đến nay tôi không bị mời và không bị sách nhiễu nữa.
2. Khi làm việc cần biết: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. (Điều 15 Bộ luật TTHS 2015).
Theo quy định này, muốn cáo buộc một người phạm tội thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thường là cơ quan điều tra (gọi tắt là cơ quan điều tra) có trách nhiệm phải thu thập chứng cứ chứng minh người đó có hành vi tội phạm. Nếu không có đủ chứng cứ chứng minh có hành vi tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ khởi tố vụ án và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Quy định này được hiểu là người bị buộc tội có quyền đưa ra căn cứ chứng minh mình không phạm tội, đây là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Vì không phải là nghĩa vụ nên người bị buộc tội không bị bắt buộc phải trả lời các câu hỏi của điều tra viên. Nếu người bị buộc tội am hiểu pháp luật thì đưa ra chứng cứ chúng minh mình không phạm tội. Nếu không am hiểu pháp luật thì có quyền không trả lời các câu hỏi của điều tra viên để tránh các điều bất lợi cho mình.
Quy định là như vậy, nhưng trong thực tế do trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, một số điều tra viên không tự điều tra được nên phải triệu tập hay mời những người mà họ nghi ngờ có liên quan tới vụ án để "hợp tác" tìm chứng cứ. "Hợp tác" được hiểu là giúp họ tìm ra sự thật của vụ án. Như vậy người bị triệu tập hay mời có quyền quyết định "hợp tác" hay không "hợp tác", có trả lời câu hỏi của cơ quan điều tra hay giữ im lặng không trả lời.
3. Khi nhận giấy triệu tập hay giấy mời cần biết:
Theo quy định tại Bộ luật TTHS và Thông tư số: 01/2006/TT-BCA(C11) của Bộ công an thì điều tra viên chỉ được triệu tập hay mời một người khi có căn cứ cho rằng người đó có liên quan tới một vụ án cụ thể đã có quyết định khởi tố. Quy định này được hiểu là chỉ khi có căn cứ cho rằng một người có liên quan tới một vụ án cụ thể đã có quyết định khởi tố thì điều tra viên mới được triệu tập hay mời người đó để "hợp tác" làm rõ sự thật vụ án. Để không bị gây phiền hà mất thời gian, trước khi làm việc người bị triệu tập/mời cần yêu cầu điều tra viên cho biết mình có liên quan quan tới một vụ án cụ thể đã có quyết định khởi tố không. Nếu có thì yêu cầu cung cấp chứng cứ, không có thì không "hợp tác" làm việc.
Hiện nay chỉ có quy định chế tài áp giải, dẫn giải người bị triệu tập nếu họ cố tình vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. Không có quy định chế tài buộc người bị mời phải có mặt theo giấy mời, có nghĩa là người bị mời không muốn đi thì họ có quyền vắng mặt.
Thông tư số: 01/2006/TT-BCA(C11) của Bộ công an cũng quy định một số điều nghiêm cấm:
- Nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập hoặc mời để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập hoặc mời gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày, v.v...
- Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập hoặc mời đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời. Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.
Nếu các bạn hiểu rõ các quy định này và cảm thấy tự tin, khi bị mời nên đi và làm việc nghiêm túc để thể hiện quyền công dân của mình. Nếu không tự tin thì có quyền yêu cầu được mời người trợ giúp pháp lý cùng tham gia làm việc với mình.
Chúc các bạn luôn vững vàng, bĩnh tĩnh tỉnh táo, "chân cứng đá mềm" khi nhận giấy triệu tập hoặc giấy mời.
Sài Gòn ngày 07/6/2020.
.....
Ảnh internet
Comments
Post a Comment