Ngày Xuân Luận Rượu: Hoa Gian Nhất Hồ Tửu
Việt Báo Xuân
Thơ về rượu của người Trung Hoa là nhất. Chứ về tửu lượng và tửu đạo... thì có lẽ ngày nay họ đã bét nhè....
Thơ Nguyễn Khuyến có xác nhận một chuyện của các nhà khảo cổ.
Thiên sinh ẩm thực thế giai nhiên,
Nghi Địch ưng vi nhất tiểu thiên!
Nghiêu Thuấn dĩ tiền, vô Tửu cáo,
Thương Chu chi hậu, hữu Tân diên.
...
(Trời sinh ăn uống lẽ tự nhiên
Nghi Địch, Trời con xứng có tên!
Nghiêu Thuấn thời xưa: bài răn rượu
Thương Chu đời cũ: tiệc Tân diên... )
Truyền thuyết của Trung Hoa kể rằng bà Nghi Địch, vợ vua Đại Vũ, là người đầu tiên chế ra rượu. Vua Vũ là... tổ sư thủy lợi, người sáng lập nhà Hạ của thời Thượng cổ, vào khoảng 2.100 năm trước Tây lịch.
Vì sao qua lời thơ Nguyễn Khuyến trong bài "Tửu" thì bà Nghi Địch xứng đáng được gọi tên là Trời Con? Vì nhà thơ của ta muốn ca tụng rượu, và vinh danh người phát minh chất thần dược này!
Cũng qua bài thơ ấy, ta được cụ Tam nguyên Yên Đổ nhắc lại, rằng Kinh Thư có chép lời "Tửu cáo" của Chu Thành Vương khuyên răn Khang Thúc đừng mê rượu. Nghĩa là trước nhà Hạ, vào các đời Đường và Ngu lý tưởng của các ông Nghiêu và Thuấn, người ta đã cảnh giác nhau về tật uống rượu. Và sau nhà Hạ thì đến các đời Thương và Chu, người ta lại ngợi ca việc mời khách dự tiệc rượu: Kinh Thi có bài "Tân chi sơ diên" làm chứng.
Nguyễn Khuyến sống trước chúng ta chừng trăm năm. Luận về rượu trong một bài thơ chữ Hán thì cụ nói chuyện phong tục và văn hoá Trung Hoa từ mấy ngàn năm trước nữa. Tam hoàng và Ngũ đế, cho tới hai ông Nghiêu và Thuấn, là những truyền thuyết của huyền sử trong cõi mịt mù. Từ Đại Vũ về sau, nghĩa là từ nhà Hạ, nền văn minh này mới có những di tích xác thực. Trong đó có truyện bà Nghi Địch là người đầu tiên phát minh ra rượu.
Dầu gì thì cũng đã hơn bốn ngàn năm.
Hơn 12 năm trước, một đoàn khảo cổ hỗn hợp Mỹ-Hoa đã khai quật một di tích cổ tại thị trấn Nhật Chiếu của tỉnh Sơn Đông và tìm ra nhiều vật liệu cất rượu, kể cả rượu nho. Họ xác định rằng cách đây hơn bốn ngàn năm, dân Trung Hoa đã biết nấu rượu. Chẳng biết là có nhờ bà Nghi Địch không, nhưng từ bốn ngàn năm trước, người Hoa đã biết nhậu.
Thế rồi, vào năm đầu của thế kỷ 21, khi nhà Rémy Martin tung ra loại X.O. Excellence, ta biết rằng bốn ngàn năm uống rượu đó của Trung Hoa đã thành "nước lã ra sông"! Khác với loại X.O. truyền thống, X.O. Excellence xuất hiện năm 2001 là Cognac loại sang, thơm và dịu hơn, còn có thể uống với nước đá như một thứ "long drink". Nếu tinh ý, người uống đoán rằng nhà Rémy Martin tung ra loại này là để thỏa mãn giới tiêu thụ Á châu, nhất là Hoa lục, ngày nay đã xu hào rủng riểng. Và thích uống rượu Tây!
Rémy Martin là hãng rượu đầu tiên bước vào Trung Quốc trong thời hé cửa, từ năm 1980. Họ lập ra một liên doanh tại thành phố Thiên Tân, lấy tên rất... cách mạng là Vương Triều, để hòa nhập hai nghệ thuật chế rượu Đông Tây. Nhưng, kết quả Pháp-Hoa đề huề đó là 90 loại rượu thì dân trong nước chẳng ngửi thấy mùi. Tiền đâu?
Mãi hai chục năm sau, khi đã có tiền, dân chúng Hoa lục bèn học làm sang. Mà lại uống rượu Tây hơn rượu Tầu.
X.O. Excellence đã ngự trị trong vương quốc của những rượu Mao đài hay Thiệu hưng. Và uống rượu Tây để luận thơ Tầu về rượu đã trở thành một lạc thú thanh lịch.
***
Nói đến rượu, không thể không nhắc tới Lý Bạch.
Không như Đỗ Phủ, là nhà thơ lầm than có nét thơ ký sự đã họa lên nhiều bức tranh xã hội tang thương, Lý Bạch là đệ nhất phong lưu tài tử. Một tay sành rượu có hạng. Chẳng vậy mà rượu vào thấy "phê", ông nhào xuống nước bắt trăng. Ra người thiên cổ.
Lý Bạch được tôn là Thi tiên, ông tiên về thơ. Nhưng ông còn là một trong bát tiên của thi ca đời Đường.
Không, đây không là "bát tiên quá hải", mà là tám vị "tiên tửu". Trung Hoa tôn họ là "Tửu trung bát tiên". Người vinh danh họ không là một tay lái rượu cần tung chiến dịch "marketing" mà chính là Thi thánh Đỗ Phủ. Ông sinh sau Lý Bạch chừng một giáp, có nhiều thơ tặng họ Lý và đã xếp ra danh mục bát tiên ấy - gồm có Hạ Tri Chương, Lý Tiến, Lý Thích Chi, Thôi Tông Chi, Tô Tấn, Lý Bạch, Trương Húc và Tiều Toại.
Chúng ta không còn biết là thứ tự đó của Đỗ Phủ có căn cứ trên tửu lượng hay không.
Điều ít biết hơn nữa là Lý Bạch rất thích... rượu nếp!
Ông gọi đó là rượu ngọc. Và chữ "trọc tửu" như chúng ta biết ngày nay không nhất thiết là rượu đục, rượu rẻ tiền, rượu của những tay Lưu Linh rách rưới ngoài vỉa hè. Trọc tửu là rượu ủ lên men, còn cả cái lẫn nước, khác với rượu trong vắt là rượu cất... Và rượu ủ này là loại Lý Bạch rất ưa.
Ngày Xuân, hãy ngó vào vò rượu của Trung Hoa mà ngửi, mà xem.
Thông thường, người Trung Hoa phân biệt hai loại rượu vàng và trắng.
Loại "hoàng tửu", rượu vàng - bị dịch sai thành "yellow wine" - là rượu ủ từ ngũ cốc, chủ yếu là hạt gạo, hạt mì. Loại "bạch tửu" có sắc rất trong là rượu cất, có khi uống nóng dưới tên là "thiêu tửu", có độ cồn cao hơn hoàng tửu. Mà cũng thơm hơn.
Hoàng tửu mà ủ với gạo nếp thì được gọi là "trù tửu", loại rượu được Lý Bạch đưa vào văn học sử dưới tên gọi rất đẹp là "ngọc tương" vì sắc trắng đục như bạch ngọc. Rượu nếp hoàng tửu đã chinh phục nhiều xứ và ngày nay vẫn còn thấy bán tại Nhật Bản dưới tên Doburoku ("trọc tửu" theo lối Hán tự của Nhật), hay tại Nam Hàn dưới tên Gamju, hoặc Makgeolli...
Bạch tửu là rượu mạnh - có thể sánh với các loại liquor đời nay - cất từ mễ cốc, như gạo, lúa miến, thanh kê, và có khi cũng chưng cất từ hoàng tửu.
Người ta biết rằng tùy nhiệt độ cao thấp, mỗi hợp chất đặc hay lỏng trong dung dịch rượu lại bốc hơi một khác. Nghệ thuật cất rượu là dùng khí nóng để chất cồn sớm bốc thành hơi, gặp lạnh thì đọng thành nước. Nước ấy là tinh rượu, có độ cồn rất cao, đôi khi tới 70-80%. Và sự khác biệt cao thấp đắt rẻ của các loại bạch tửu thuộc về hương thơm của rượu.
Đã mê thơ Đường thì không ai không nhớ tới câu "Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi" của Vương Hàn trong bài Lương Châu Từ. Loại mỹ tửu bồ đào này không là rượu nho từ đất Porto của xứ Bồ Đào Nha. Xứ Portugal chỉ biết cất rượu Porto vào thế kỷ 14, hơn 600 năm sau bài thơ Vương Hàn! Mà trái bồ đào cũng chẳng là loại dâu dại như ta gọi ngày nay. Đó là trái nho.
Nghĩa là hơn xa người Pháp, dân Trung Hoa biết cất rượu nho từ rất sớm, do sự chỉ dạy của bà Nghi Địch như truyền thuyết Trung Hoa đã kể. Chuyến khai quật tại Sơn Đông vào năm 1995 cho thấy điều ấy. Nhưng vào thời cổ xưa, nho Tầu coi bộ chưa khá. Rượu nho của Tầu cũng vậy. Chỉ vì thổ ngơi? Biết đâu chừng, bà Nghi Địch có khi là hoàng hậu có máu ghen của Hoạn thư hay nhân vật của Kim Dung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, bà câm đã đẻ ra ni cô Nghi Lâm? Vì máu ghen nên khi nấu rượu lại chế ra giấm - mà cả triều đình Đại Vũ vẫn cứ phải nhăn mặt khen ngon!
Phải tới thời Hán Vũ Đế, ông vua cai trị nước Tầu từ năm 141 đến 87 trước Tây lịch, mới có Trương Khiên thám hiểm Tây Vực và đem về Trung Nguyên nhiều loại nho... Tây có giá trị cao hơn. Đó là trái nho Trung Á, yếu tố cải tiến phẩm chất của rượu bồ đào, xảy ra đâu đó trước bài thơ của Vương Hàn tới tám trăm năm.
Ngày nay, rượu nho của Trung Quốc cũng bắt đầu bốc, nhờ du nhập nghệ thuật chế rượu của Pháp. Ngoài trái bồ đào, Trung Hoa cũng dùng trái cây, như quả vải và trái kỷ tử, để cất rượu (gọi là "lệ chi tửu" hay "cẩu kỷ tửu"). Nhưng ngần ấy thứ vẫn chưa thể sánh với rượu Pháp hay rượu Cali được!
Có bốn ngàn năm cũng thế thôi!
***
Trung Hoa là nơi mà rượu đã nhập đạo rất sớm.
Lễ bái hay lễ lạc gì cũng phải có rượu thì mới đúng cách. "Vô tửu bất thành lễ" mà! Vậy mà mấy ngàn năm qua, xứ này chưa đóng góp cho nhân loại một thứ rượu quý cho ra hồn. Có khi còn thua Vodka của Nga hay các loại Sake (chỉ là Nhật hoá chữ "tửu" của Tầu) rất xa.
Luận về rượu, ta có nhân vật Tổ Thiên Thu của Kim Dung trong truyện võ hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ mới nhắc tới ở trên. Nhưng, đó là về cách uống rượu, hay là cách biểu diễn nghệ thuật uống. Rượu nào thì uống chén gì mới hợp, ngồi đâu mới là đẹp.
Còn về độ ngon hay thơm của rượu thì mình cũng... bù trất như khi đọc thơ Lý Bạch viết về rượu.
Khách có hỏi thì được biết rằng nổi tiếng nhất của Trung Quốc là rượu Mao Đài, thứ bạch tửu có mỹ hiệu là "tương hương".
Đây là báu vật của thị trấn Mao Đài, trong quận Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu.
Rượu Mao Đài nổi tiếng từ đời Thanh, đã lãnh huy chương vàng quốc tế lần đầu vào năm 1915 tại San Francisco, nhưng chỉ bốc mạnh từ khi được Chu Ân Lai dùng để khoản đãi Richard Nixon năm 1972. Mao Đài xứng danh quốc tửu từ chuyến nâng ly của họ Chu để chúc mừng quốc khách Nixon.
Nhưng năm 2007, thổ sản Mao Đài của Quý Châu còn khét tiếng hơn nữa khi sông Xích Thủy bị ô nhiễm vì chất thải từ 39 nhà máy cất... rượu lậu. Mà con sông đó là nguồn cung cấp chất liệu quan trọng nhất cho rượu ngon của đất Mao Đài: là nước!
Cách mạng trong cách cất rượu... thời "xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc" là vậy.
Cũng phải thưa thêm, rằng khi nhà cách mạng Chu Ân Lai nâng ly chúc mừng Tổ sư Mỹ đế là Richard Nixon, tất nhiên là ông.... xổ nho Thánh hiền. Họ Chu trích dẫn lời Khổng Tử dù thời ấy "Phi Lâm - Phi Khổng" đã là khẩu hiệu trong đấu tranh quần chúng. Đánh cả Lâm Bưu lẫn Khổng Tử mới là "Đại văn cách" - Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại!
Chu Ân Lai nâng ly chúc mừng Richard Nixon với câu mở đầu "Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ...". Lời của đức Phu tử thời phong kiến: "có bạn từ phương xa tới, không vui sao được". Đức Thánh Khổng đã dạy như vậy như ta có thể đọc thấy trong Luận ngữ, ngay tại chương một.
Nhưng họ Chu vô cùng thâm hậu đã khéo... chửi cha Nixon.
Số là có đệ tử hỏi thầy Khổng Khâu: như nếu có bọn rợ phương Tây đến học ta chữ lễ, mình có dạy cho chúng không? Phu tử mới phán cho một câu chắc nịch về thế giới đại đồng: hẹp hòi gì mà không dạy cho chúng cái nét văn minh của ta? Chu Ân Lai dẫn lại câu này để chúc mừng tên đầu sỏ của rợ phương Tây. Cho nên, nho Tầu vẫn chua hơn nho Tây, nho Mỹ.
Và chén Mao Đài mừng khách có mùi rượu phạt.
Nixon và toàn ban có khi không biết. Mà có biết thì cũng làm lơ, ra cái điều không chấp. Cú cáo gặp nhau thường là như vậy!
Điều mà Nixon và cả ban tham mưu của ông, trong đó có Henry Kissinger, không thể không biết rằng khi đó nước Tầu đang có loạn. "Cách mạng Văn hoá Vĩ đại" là một chuỗi đại loạn, chỉ kết thúc khi Mao Trạch Đông xuôi sáu tấm vào năm 1976.
Ngoại trưởng Trung Quốc vào thời đó là Thống chế Trần Nghị thì bị hạ tầng công tác từ năm 1967, khi Đại văn cách mới nổi lên, cho nên Chu Ân Lai mới là Ngoại trưởng thật. Năm 1972 đó, Mao Trạch Đông cũng mới vừa thanh toán xong Thống chế Lâm Bưu trong một tiệc rượu rất... Trung Hoa.
Mời kẻ đang nuôi tham vọng xoán đoạt quyền lực của mình vào dự tiệc trong tư dinh, Mao tươi cười nói về công trạng của Lâm Bưu. Lại còn đề nghị thăng chức cho con trai Lâm Bưu là Lâm Lập Quả lên làm Tư lệnh Không quân. Lúc ấy, Lâm Lập Quả đang chuẩn bị kế hoạch "571" - ám sát Mao Trạch Đông để thân phụ lên ngai lãnh tụ.
Khi Lâm Bưu hoàn toàn tin là đã lừa được "Mao Chủ xỉ" và ngất ngưởng ra về thì cả đoàn xe cùng với hộ tống bị bắn nát! Xác cháy đen của Lâm Bưu được tống vào phi cơ, ngụy tạo thành một vụ đào thoát sang Mông Cổ, và bị nổ giữa trời! Vụ ấy xảy ra ngày 13 tháng Chín năm 1971. Và các cấp lãnh đạo của Trung Quốc thấy lạnh cẳng như người đi trên trứng mỏng, vì chẳng còn phân biệt được chính hay tà, trung hay gian nữa. Trật một câu hay lệch một bước là tan tành sự nghiệp. Có khi mất mạng!
Năm tháng sau, Chu Ân Lai lại ngon lành chọc quê Nixon về nét văn minh Trung Quốc! Rợ phương Tây ngây ngô thì làm sao sánh nổi với rợ phương Đông được...
Trong chuyến Hoa du của Nixon, phái đoàn Mỹ có một nhà ngoại giao tinh thông Hoa ngữ làm thông dịch viên. Nhưng khi Nixon mật đàm với Mao thì nhà thông dịch của phe ta được mời ra ngoài: Kissinger chọn thông dịch viên của Trung Quốc để bảo mật! Ngoại trưởng William Rogers cũng bị gạt qua một bên: ngoài Nixon với Cố vấn An ninh Quốc gia Kissinger chỉ có nhân viên Hội đồng An ninh Winston Lord, người thân tín của Kissinger.
Để khỏi bỉ mặt Ngoại trưởng Rogers, tòa Bạch Ốc đã cho xóa sạch mọi hình ảnh của ông Lord trong cuộc gặp gỡ với Mao!
Nhưng chuyện ấy dính dáng gì tới rượu?
Nhà ngoại giao làm thông dịch viên về sau đã là Đại sứ Hoa Kỳ tại Saudi Arabia và Thứ trưởng Quốc phòng về An ninh. Trong chuyến Hoa du mùa Xuân năm Tý, hơn ba chục về trước, ông ta bị phục rượu tại Bắc Kinh!
Ông được hai viên tướng của Quân đội Giải phóng Trung Quốc mời dự tiệc và họ luân phiên nâng chén mời ông "cạn bôi". Sau mấy chục ly hoàng tửu, khách Mỹ vẫn ngồi ngay ngắn, trong khi hai ông tướng Tầu thì đã túy lúy càn khôn.
Lúc ấy, cửa phòng bỗng bật mở. Bước vào là đồng chí Tổng lý Quốc vụ viện Chu Ân Lai.
Hiển nhiên đây là lần đầu sau vụ đảo chánh hụt của Lâm Bưu mà hai ông tướng kia được gặp Thủ tướng họ Chu. Chỉ vì họ lập tức quỳ xuống trước mặt Chu Ân Lai và đấm ngực thề thốt về lòng chung thủy của họ với Mao Chủ tịch và Chu Tổng lý!
Lúc ấy Chu Ân Lai mới liếc thấy khách phương xa đang ngồi trên bàn tiệc, và nghe thấm từng câu. Với sự khó chịu không che giấu, Chu gạt phắt hai viên tướng kém tửu lượng và thiếu bình tĩnh kia.
Các đồng chí không thể để người lạ nhìn thấy chuyện thâm cung như vậy được!
Họ Chu cau mặt bước ra ngoài. Người bị phục rượu đâm ra là kẻ có tội, và hai ông tướng có đầu gối lỏng là nạn nhân! Phải cho tên khách lạ phương Tây một bài học. Tháp tùng Thủ tướng, nhà ngoại giao Hoàng Hoa bèn xà vào bàn, gọi hậu cần bày ra tiệc mới để đánh tiếp canh bạc rượu đang dở dang. Cái gì chứ về tửu thì Trung Hoa mà chịu thua ư?
Cũng lại campei rồi campei với đầy đủ sơn hào hải vị cho một bàn tiệc mới. Chừng năm chục chén sau, Hoàng Hoa loạng choạng cáo lui, hai bên có nhân viên dìu ra khỏi phòng tiệc. Hoa gian bị nhất hồ tửu đánh cho gục!
Khách là một nhà ngoại giao thuộc loại chuyên gia của Mỹ về Trung Quốc, nói và viết thông thạo ngôn ngữ văn chương của Khuất Nguyên, Đỗ Phủ. Điều mà ông không ngờ là đất nước của tửu đồ của Lưu Linh, Lý Bạch lại uống rượu dở như thế!
Người viết được chính ông ta kể lại chuyện này, trên một bàn rượu. Tất nhiên không phải Mao Đài hay Ngũ Gia Bì, trọc tửu hay thù tửu, mà là Cognac.
Ngày xuân xin hãy cạn ly và ngâm câu "Nhất hồ trọc tửu hỷ tương phùng!" trong bài dẫn vào Tam Quốc chí... Ra chiều là ta có văn hoá. Nhưng đừng thấy đom đóm mà ngỡ là sao băng. Thà uống trà Tầu cho chắc ăn.
Mà nên là trà Đài Loan hơn là Hoa lục. Đã thơm lại cũng vệ sinh!
Comments
Post a Comment