Khi người Nam Kỳ nói lẫy
Phim đang có cảnh má chồng giận cô con dâu ,bà má dằn mâm xán chén la lên :" Tôi nói cho chị biết nhá..." và nói với con " Chó con lại đây biểu tí coi"
Không đúng rồi,người Miền Nam không bao giờ kêu con cái là chó này chó nọ dù là chó con,Nam Kỳ không kêu con là anh chị,trúng phải là"Tui nói cho biết là" hoặc "Nói cho mấy người biết là..." .Khi thương má chồng kêu dâu bằng con,khi giận sẽ kêu là cô ,khi đụng mạnh sẽ kêu là mày
Và vợ chồng Nam Kỳ cũng vậy,khi thương kêu bằng anh em,mình này mình nọ,má thằng Tèo,ba thằng Tí ,má mày,ba mày ,khi giận sẽ kêu trỏng trống không hoặc xưng bằng "tui và ông" ,"tui và bà" ,xung đột là mày tao
"Thò tay anh ngắt ngọn ngò
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ"
Trong gia đình,thân tộc,người Nam Kỳ chia ngôi quan hệ theo thứ bậc trên dưới,nội,ngoại, rất rõ ràng,cái này người Bắc không bằng
Thí dụ:Trên là ông bà ngoại,dưới có chị em gái của mẹ là dì,anh em trai của mẹ là cậu,chồng dì là dượng,vợ cậu là mợ
Bên nội có ông bà nội,anh trai ba là bác,em trai ba là chú,chị em gái ba là cô,chồng bác trai là bác gái,chồng cô là dượng,vợ chú là thiếm
Trong quan hệ hàng ngày trong gia đình và xã giao xóm giềng,người Lục Tỉnh lúc nào cũng hạ cái "tôi" của mình xuống
Thành ra ông bà cha mẹ,con cháu không bao giờ xài chữ "tôi" hay "tui" để xưng hô
Nếu người nhỏ tuổi ,vai vế nhỏ hơn xưng tui với người lớn tuổi hơn, vai vế cao hơn sẽ bị đánh giá là xấc xược, hỗn hào,mất dạy.Con nhà gia giáo không bao giờ có cảnh con nói với mẹ :"Tui nói cho bà nghe"
Trong nhà người Nam Kỳ hay xưng hô nhau bằng danh xưng,thí dụ như bà ngoại kêu cháu vầy:" Con ơi! nhớ mua dùm ngoại cái cối nhen con"
Người Nam Kỳ thích xưng thứ của người đó,thí dụ "Chín nói hoài mà Bảy không chịu nghe mệt ghê vậy đó"
Hay :"Út lì quá Hai không thương nữa"
Đọc sách cũ thấy người Nam Kỳ xưa thích kêu nhau "Anh hai" và "Em hai" khi gặp nhau lúc ban sơ
Thứ hai là thứ lớn nhứt trong bầy con gia đình ,hai của Nam là cả của người Bắc,hai quyền huynh thế phụ,hai là một thứ "trọng thị" nhứt nên chưa biết thứ nhau ,có thể là ba,là tám,nhưng dân Nam Kỳ cứ "Anh hai" và "Em hai" đầy nhóc câu chữ luôn
"Đôi mình mới gặp ngày nay
Cho hun một cái em hai đừng phiền"
Đại từ nhân xưng thường nhứt trong lòng Nam Kỳ là "con" ,trong gia tộc ruột rà tới họ hàng xa,tới hàng xóm,tới người tha nhân ngoài đường đều bắt đầu bằng chữ con hết
Nghe một đoạn sau:
Bá bán vé số:Mua dùm bà vài tờ lấy hên đi con
Người mua: Con mua hồi nảy rồi bà Chín ơi ,nhưng thôi,con lấy một tờ nghen
Trong tình cảm thì gọi nhau mướt rượt ,anh em là thường,người Nam Kỳ còn kêu nhau là anh và nhỏ ơi hoặc anh và nàng ,mết hơi nhau riết rồi thì mình ơi ,mình à
"Hò ơ...
Tui hun mình dẫu có la làng
Thì tui ra đó hai đàng chịu chung
Tui hun mình dẫu có làm hung
Nhơn cùng tắc biến, tui chun xuống sàn "
Thí dụ "Nhỏ nói anh nghe coi chuyện gì?",ẻm trả lời "Nhỏ ...hông biết à nha"
Lý Hải từng ca rằng:
"Tình cờ ta gặp nhỏ
trong nắng vàng ban mai
Thẹn thùng ta hỏi nhỏ
Nhỏ bảo khờ ghê đi"
Người Nam Kỳ thích nhau còn kêu nhau,xưng hô là "Anh và bé".Ai được kêu là bé thì sướng rơn trong bụng.Ông Lam Phương kêu bà Cẩm Hường"Làn mi ướt mắt nai tròn xoe ngơ ngác.Bé ơi, nhìn em, anh ngẩn ngơ"
Có ai đó viết rằng dân Nam Kỳ du đảng bỗ bã kiểu "ĐM tao yêu mày" hay "ĐM anh yêu em" là không có đâu nghen,tình yêu bao giờ cũng đẹp,người thất học cỡ nào cũng đàng hoàng lịch sự biết cách mà tỏ tình
Chí ít cũng biết "Ngộ ái nị" nhen mấy anh
Ngộ ái nị
Nị ái ngại
Nị bỏ chạy
Ngộ níu lại
Nị oánh ngộ
Ngộ ôm đại
(Hehehe)
Nếu người lớn tuổi hơn ,vai vế hơn mà xưng bề dưới "Tui" là người đó đang giận dữ lắm,là mích lòng,là xích mích và cái này là báo hệu quan hệ sắp đứt
Thiệt ra Nam Kỳ giận thì thường nói lẫy
Ai giận cũng làm ngơ trước
Trần Thiện Thanh có bài nhạc :" Đã không như là mơ,nếu tình cờ gặp xin cứ làm ngơ"
Làm ngơ là làm bộ làm tịch nghe như không nghe,thấy như không thấy,người đó trước mặt mình nhưng lại là vô hình.Làm ngơ là một cách "trả treo" dễ thương nhứt của người Nam Kỳ mình.Thương mà làm bộ làm tịch cũng làm ngơ,giận cũng làm ngơ,không thèm ư hử gì ráo
"Vỗ vai con Bảy không ừ
Hay là con Bảy giận, con Bảy từ ngãi anh"
Khi dân Lục Tỉnh,dân Sài Gòn xưa giận ,mà cục tự ái chà bá nổi lên là làm ngơ và nói lẫy tuôn ra ào ạt trước
Nói lẫy là nói trổng ,nói trổng là nói trống không,nói bâng quơ,nói như tâm sự với cô hồn ,nói không chủ ngữ,vị ngữ,không đại từ nhân xưng
Cái câu báo hiệu cho lẫy,trổng là "Xí....." ,rồi thì "Khỏi" ,"Hông biết" ," Mệt" ,"Chàng ràng mệt quá,xê ra coi"
Bạn bè đồng trang lứa lẫy một hồi nó sẽ cho bạn lên ngôi cao trong nhà nó ,thí dụ "Thôi đi ông nội","Thôi im đi bà cố" ,"Con lạy cha" .Ngày nay teen có thêm chữ "Hoy nha bà thiếm"
Cái "xí" của Nam Kỳ là giận thương nhau,xí là tiếng hơi đồn nén bực phát ra từ miệng
Dòng họ bà con "xí" nhiều lắm,có "Xí hụt","Xí được",teen sau này đẻ ra thêm " Xàm xí đú, đu dây điện "
Như nói ở trên,nếu xưng "Tao-Mày" là ông bà giận dữ lắm rồi ,đã tao mày mà còn "mấy đứa tụi bây","cái thứ tụi bây" nữa thì ráng mà vuốt cho hết giận ,còn con cháu thì tuyệt nhiên không dám xưng kiểu vậy dù giận ông bà tím mặt
Kể thêm một cách giận lẫy của người Nam Kỳ mình,khi giận người thứ 3 sẽ không còn kêu "Thiếm hai","Chú Tám" nữa,họ sẽ chuyển qua "Ổng và Bả",nếu ghét thì sẽ thành "Thằng chả" và "Con mẻ",rồi có đôi lúc thành "Thứ già dịch" ,"Con quỷ già",đó đã thành chửi rủa, ,giận người dưng
"Cơm ăn mỗi bữa ba lưng
Hơi đâu mà giận người dưng thêm phiền"
Ngày nay nghe "ổng bả" hơi bị nhiều,người ta gọi thông dụng dù không giận,là cách diễn đạt rút ngắn mà thôi ,nhưng nó không được lịch sự lắm
Chữ "Tụi bây" là chữ thường xài hàng ngày của người Lục Tỉnh ,thí dụ "Má thương tụi bây không hết" ,nhưng "cái thứ tụi bây" là một câu có mùi hờn oán,chiến tranh rồi
Tiện lời xin nói một chút về cách vợ chồng Nam Kỳ hay kêu nhau là "ông xã ,bà xã"
Nghe chữ xã ta sẽ nhớ tới làng xã xưa,nhớ tới xã là một đơn vị hành chánh
Trong cái "Hội đồng làng" ngày xưa có Hương chủ, Hương sư, Hương trưởng,Hương lão, hương mục, Hương bộ,Hương lễ, Hương bái, Hương ẩm,Chánh bái,Kế hiền ....gì đó thì mấy ông hương này chỉ là quan làng,tức là dân làng bầu ra coi chuyện làng và không có lương
Có ông " Xã trưởng" là có quyền thực chất nhứt ,ông là đại diện cho xã với chánh quyền,nhận lương từ chánh quyền,được giữ con dấu, được phép giải quyết ,ký giấy tờ các vụ việc trong phạm vi cho phép
Khi đó trong nhà,ông xã trưởng và vợ xưng hô nhau là anh em,nhưng ra đường,khi gặp người thứ ba hai vợ chồng thường kêu "Ông xã" và "Bà xã" ,thí dụ"Mày về kêu bà xã lấy cho tao"
Hai vợ chồng "quyền lực" nhứt xã đã ảnh hưởng tới dân trong xã,kêu riết thành quen,danh xưng ông xã,bà xã thành thông dụng
Xin nhắc đây là danh xưng của Miền Nam ,bác bỏ ý kiến nói là du nhập từ Miền Bắc vô Nam,là vì ngoài Bắc đứng đầu cấp xã là lý trưởng chứ không phải là xã trưởng như trong Nam Kỳ
Xin kết bài ở đây bằng hai câu ca dao đầy tình thương kiểu Lục Tỉnh:
"Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh
Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương".
Comments
Post a Comment