Số phận một số công thần khai quốc nhà Lê và con cháu họ :
1/ Nhóm Lê Lai, Đinh Lễ, Lý Triện: Tử trận trước ngày đại thống. Cháu nội Lê Lai là Lê Niệm, con trai Lý Triện là Lý Lăng, tham gia phế lập Lê Nghi Dân, lập Lê Thánh Tông, sau có hiểu nhầm mà Lý Lăng bị Lê Thánh Tông bức tử.
2/Trần Nguyên Hãn: Bị tố hợp mưu với Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái ở Thái Nguyên mưu phản, phải gọi về kinh điều trần, trên đường đi nhảy sông tự vẫn ( có thuyết nói ông bị gió thổi lật thuyền chết)
3/Phạm Văn Xảo: Bị Thái Tổ bắt uống thuốc độc tự tử năm 1430, vì có cáo trạng liên kết với Đèo Cát Hãn làm phản
4/ Lưu Nhân Chú: Mất năm 1431, có thuyết nói bị Lê Sát hạ độc
5/ Lê Sát: Công thần 2 đời vua, bị vua Lê Thái Tông bức tử năm 1437 vì thói lạm quyền.
6/ Lê Ngân: Công thần 2 đời vua, bị vua Lê Thái Tông bức tử năm 1437, sau khi có cáo trạng làm bùa yểm cho con gái mê hoặc vua. Con ông là Lưu Tông Nho sau làm hộ vệ cho vua Lê Nhân Tông, bảo vệ vua trong cái đêm Nghi Dân đột nhập vào thành, bị Nghi Dân giết. Con gái ông là Lê Thị Lệ bị giáng làm Tu dung.
7/ Nguyễn Trãi: Dính vào vụ án Lệ Chi Viên, bị tru di tam tộc. Một người con của ông là Nguyễn Anh Vũ thoát chết, sau được vua Lê Thánh Tông gia phong làm tri huyện.
8/ Lê Lễ : Bị vua Lê Thái Tông truất biếm do Thị Lộ gièm pha ( nhiều người cho rằng âm mưu của Nguyễn Trãi).
9/ Phạm Vấn: Anh trai bà Phạm Thị Ngọc Trần, bác vua Lê Thái Tông, bị bệnh chết năm 1435.
10/ Trịnh Khả: Công thần 2 đời vua, có hiềm khích với Lê Sát, sau khi Lê Sát và Lê Ngân chết, ông được thay thế chức vụ của Lê Sát. Sau ông cùng con trai là Trịnh Bá Quát bị thái hậu Nguyễn Thị Anh giết.
11/ Nhóm Lê Thụ, Đỗ Bí, Lê Ê: công thần 3 đời vua, sau âm mưu lật đổ Lê Nghi Dân bại lộ, nên bị Nghi Dân giết
12/ Đinh Liệt: Công thần 5 đời vua, ông từng bị thái hậu Nguyễn Thị Anh bắt giam cả nhà trong 6 tháng, có công phế lập Nghi Dân, đưa Lê Thánh Tông lên ngôi, cả nhà vinh hiển.
13/ Nguyễn Xí: Công thần 5 đời vua, giống Đinh Liệt, ông cũng là một trong số những người có công phò giá vua Lê Thánh Tông. Ông từng bị giáng chức vì tham ô. Con trai trưởng của ông là Nguyễn Sư Hồi, có mâu thuẫn với Lê Niệm ( cháu nội Lê Lai), Nguyễn Lỗi ( con Nguyễn Như Lãm), Lê Thọ Vực ( con Lê Khôi), Trịnh Văn Sái ( con Trịnh Khắc Phục) nên làm thơ chửi xéo các vị này, nhưng được vua Thánh Tông tha tội.
14/ Lê Thận: Công thần 3 đời vua, cuộc đời khá êm ả, ông mất năm 1448 đời vua Nhân Tông
15/ Lê Văn Linh: Công thần 3 đời vua, ông bị dính vào vụ án Lê Sát nên bị biếm chức. Đến đời Nhân Tông, ông lại được trọng dụng thăng đến hàm Thái Phó. Ông mất năm 1448, thọ 72 tuổi, đương thời ông là người rất sùng đạo Phật
16/ Nguyễn Lý: Công thần 3 đời vua, khi còn sống ông bị Lê Sát ganh ghét nên điều vào Thanh Hóa. Sau khi Lê Sát chết, ông về triều làm Thiếu Úy, tham tri tây đạo. Ông mất năm 1445.
17/ Bùi Quốc Hưng: Công thần 2 đời vua Thái Tổ- Thái Tông, mất khi đương chức, không có nhiều thông tin.
18/ Nguyễn Chích: Công thần 3 đời vua, ông làm trấn thủ Thuận Hóa trong nhiều năm, nhiều lần đánh bại khiến quân Chăm gặp ông sợ vỡ mật. Ông mất năm 1447 khi đương chức thọ 67 tuổi.
19/ Lê Văn An: Công thần 2 đời vua Thái Tổ- Thái Tông, đương thời ông bị Lê Sát ganh ghét gièm pha không ít. Ông có công đàn áp cuộc nổi loạn của ngụy quan Hoàng Nguyên Ý ở Lạng Sơn. Ông có phong thái khá giống Mạnh Thường Quân, rất đối đãi cung kính với các văn nhân hiền sĩ, trong nhà nuôi tân khách hàng trăm người. Ông mất năm 1437.
20/ Lê Khôi: Công thần 3 đời vua, ông là viên tướng tài ba nhất thời hậu chiến với hàng loạt chiến công: đánh dẹp Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái, Đèo Cát Hãn, tát vỡ mồm quân Ai Lao, càn quét quân Chăm Pa. Ông mất năm 1446, ở Hà Tĩnh khi đang trên đường chinh phạt Chăm Pa. Con ông là Lê Thọ Vực, lại nối nghiệp ông sau này theo vua Thánh Tông hạ thành Đồ Bàn, bắt sống vua Trà Toàn.
21/ Doãn Nỗ: Công thần 2 đời vua Thái Tổ- Thái Tông, ông được Thái Tổ sắc phong trấn thủ Sơn Nam ( Bắc Giang, Bắc Ninh ngày nay) và phong ấp ở làng Hạ Yên Quyết ( nay là phố Yên Hòa- Cầu Giấy), không rõ mất năm nào.
22/ Đỗ Khuyển: Công thần 4 đời vua, ông tham gia trận chiến tiêu diệt Đèo Cát Hãn, làm đến chức Thái Úy thời vua Thái Tông. Ông mất năm 1459, trước khi vua Thánh Tông nối ngôi.
23/ Nguyễn Nhữ Lãm: Công thần 2 đời vua, ông chủ yếu lo công việc hậu cần, dân vận. Con ông là Nguyễn Lỗi, là công thần đời vua Thánh Tông. Hậu duệ của ông sau này là Nguyễn Mậu Tuyên, là công thần giúp chúa Trịnh Tùng, đánh bại họ Mạc.
24/ Trịnh Khắc Phục: Công thần 3 đời vua, ông cùng con là Trịnh Bá Nhai, bị thái hậu Nguyễn Thị Anh giết năm 1451, cùng với cha con Trịnh Khả. Ông là ông nội của quyền thần Trịnh Duy Sản, người giết vua Tương Dực sau này, một số sách cho rằng, ông cũng là tổ tiên của Trịnh Kiểm, tức là tổ tiên của các chúa Trịnh.
25/ Nguyễn Công Duẩn: Công thần đời vua Thái Tổ, ông mất năm 1431. Trong kháng chiến, ông là một phú hào cung cấp rất nhiều lương thực và khí giới cho nghĩa quân Lam Sơn. Ông là ông nội của quyền thần Nguyễn Văn Lang, người giúp vua Tương Dực lên ngôi, lật đổ Uy Mục Đế, và là tổ tiên của các chúa Nguyễn.
--
Lại Nhật Quang / ncls group
Comments
Post a Comment