JURY DUTY - BỒI THẨM ĐOÀN
Nếu bạn là công dân Hoa Kỳ, một ngày đẹp trời nào đó bạn sẽ nhận được một phong thư từ Tòa án nơi bạn cư ngụ gửi đến cho biết là bạn phải thi hành bổn phận công dân làm "Jury Dudy", tức Bồi Thẩm Đoàn
Bồi thẩm đoàn - có thể hiểu đó là một nhóm những thường dân được tòa án lựa chọn hoàn ngẫu nhiên để xét xử một vụ án nào đó. Nhiệm vụ chính của bồi thẩm đoàn là lắng nghe công tố viên và luật sư lý luận tại pháp đình, sau đó phân tích, xem xét để kết luận bị cáo vô tội hay có tội. Khi đã tham gia vào Bồi thẩm đoàn thì bạn phải chấp nhận theo suốt thời gian vụ xử. Có thể một buổi là xong, cũng có khi vài ngày, vài tháng thậm chí kéo dài cả năm. Trong thời gian này nơi bạn làm việc vẫn phải có trách nhiệm trả lương cho bạn đầy đủ.
Tại Hoa Kỳ bồi thẩm đoàn có hai loại :
- Đại bồi thẩm đoàn : sẽ gồm 20 người trở lên cho những vụ trọng án
- Bồi thẩm đoàn thường : tòa tiểu bang sẽ có 6 người, tòa liên bang sẽ có 12 người chính thức và 2 người dự bị
Nói về Bồi thẩm đoàn thường. Khi đến Tòa, đầu tiên người Thư ký sẽ dùng computer chọn lựa ngẫu nhiên ra 12 bồi thẩm viên chính thức và 6 người dự khuyết trong số người được mời đến. Quan toà sẽ cho 18 bồi thẩm viên biết về cáo trạng của bị cáo trong phiên xử ngày hôm đó. Để cho việc xử án được công bằng vô tư, quan toà sẽ lưu ý các vấn đề sau đây :
- Các bồi thẩm viên có liên hệ gì với luật sư hai bên, bị cáo hay nguyên cáo hay không ?
- Người bồi thẩm viên có thân nhân hay quen biết bất cứ một ai trong hệ thống pháp luật ( như quan toà, luật sư, cảnh sát ) hay không ?
- Họ có bao giờ đã là nạn nhân, bị cáo hay liên quan đến bất cứ một vụ thưa kiện nào mà tội trạng giống như phiên toà sắp xử hay không ?
Tất cả những chi tiết này sẽ được luật sư ghi chép và để ý. Cuối cùng luật sư hai bên sẽ lần lượt loại ra những bồi thẩm viên mà họ cho rằng sẽ không có lợi cho thân chủ của họ để gút lại cuối cùng là 14 người, gồm 12 chính thức và 2 dự khuyết. Bồi thẩm đoàn sau đó sẽ chọn một người làm trưởng đoàn, hoặc do tòa án ấn định. Người trưởng đoàn có trách nhiệm đệ lên chánh án những câu hỏi của đoàn và cũng là người đại diện của bồi thẩm đoàn khi tuyên án.
Về sự tương tự thì Việt Nam chúng ta cũng có Hội thẩm nhân dân. Tuy nhiên Hội thẩm nhân dân Việt Nam là do Hội đồng nhân dân hay thẩm phán tuyển chọn và vai trò của Hội thẩm nhân dân thường khá mờ nhạt, thường chỉ phát biểu cảm nghĩ.
Điều nữa là Hội thẩm nhân dân chỉ tham gia vào sơ thẩm, đến phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm họ không được tham gia. Còn Bồi thẩm đoàn là được chọn bằng cách bốc thăm ngẫu nhiên và được quyền tham gia toàn phần quá trình xử án.
AI ĐƯỢC LỰA CHỌN LÀM BỒI THẨM ĐOÀN :
Điều kiện để được toà án gọi đi làm bổn phận bồi thẩm đoàn :
- Trên 18 tuổi
- Quốc tịch Hoa Kỳ
- Cư ngụ nơi hiện tại ít nhất một năm
- Nói và hiểu Anh Ngữ
- Không khuyết tật về tinh thần hay thể xác
- Chưa từng bị kết tội đại hình
Những người sau đây được miễn thi hành bổn phận bồi thẩm đoàn:
- Quân nhân hiện dịch
- Lính cứu hoả
- Nhân viên cảnh sát
- Những nhân viên thuộc các cơ quan công lực đang làm việc toàn thời gian
Những trường hợp nếu làm đơn xin có thể được miễn thi hành bổn phận bồi thẩm đoàn:
- Những người trên 70 tuổi
- Đã là bồi thẩm viên cho toà án liên bang trong hai năm vừa qua
- Những tình nguyện viên làm nhân viên cứu hoả, nhân viên cấp cứu, tài xế xe cấp cứu
- Những gia đình điều kiện tài chánh eo hẹp
- Những người kém Anh ngữ
Với luật pháp Mỹ bạn có thể từ chối khi được mời tham gia Bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên nếu sự từ chối lặp lại quá nhiều lần, hoặc đến ngày xử bạn vắng mặt không có lý do chính đáng thì bạn có thể bị phạt tiền hoặc ở tù, bởi đó là hành vi " xem thường Tòa án ". Ví dụ ở Washington DC, tòa án sẽ cho giấy gọi mời người đó ra toà bắt giải thích tại sao không đến. Nếu lý do không hợp lý sẽ bị bỏ tù 7 ngày và phạt 300 đô. Còn ở quận Tulare - Cali, cảnh sát sẽ tới tận nhà đưa trát ra hầu toà và bắt giải thích lý do tại sao vắng mặt.
NHỮNG TRANH CÃI TRÁI CHIỀU
Bồi thẩm đoàn là đại diện cho sự công khai minh bạch, tuy nhiên vẫn có nhiều tranh cãi về sự tồn tại của Bồi thẩm đoàn.
* Về phía PHẢN ĐỐI :
1) Việc xử án dựa trên phán quyết của bồi thẩm đoàn là không chính xác. Một bị cáo bị kết tội hay được tha bổng bởi 12 người hoàn toàn không có kiến thức căn bản về pháp luật, giống như giao việc chuyên môn cho một người không chuyên vậy.
2) Với những vụ án nhạy cảm ( ví dụ liên quan đến chủng tộc ), hoặc những vụ dư luận đang quá quan tâm thì các viên chức tư pháp có thể "trốn tránh" bằng cách dàn xếp với nhau về một nhóm bồi thẩm đoàn nào đó. Giống như trong vụ án cựu ngôi sao bóng bầu dục người da đen O.J. Simpson. Để tránh phiền toái gây náo loạn, người ta đã dàn xếp cho 9 trong số 12 bồi thẩm là phụ nữ da đen, số còn lại là một Latino và hai người da trắng. Và như vậy khỏi cần xử, ta cũng có thể đoán biết kết quả như thế nào.
3) Việc triệu tập các bồi thẩm và đợi các ý kiến của họ để tuyên án làm mất thì giờ và hay bị trì trệ. Ví dụ đôi khi họ mắc bệnh giữa chừng và phải có người dự khuyết thay thế.
4) Xử theo cách của Bồi thẩm đó là một cách xử dã man. Bởi người da trắng sẽ kì thị xử nặng người da màu, và ngược lại người da màu sẽ ghét xử nặng người da trắng. Hoặc thậm chí đôi khi xử chỉ vì " nhìn mặt không thấy hợp lòng nhau ".
* Về phía ỦNG HỘ đã phản kháng như sau:
1) Bồi thẩm đoàn không là dân luật nhưng không thể nói họ không biết gì về luật. Trình độ học vấn thông thường một công dân Mỹ là xong bậc Trung Học. Ở học đường họ đã được giáo dục về những điều căn bản của luật pháp. Đời sống thường ngày của họ cũng phải đối đầu với tòa án rất thường ( những vi phạm về giao thông phải ra toà, các vụ ly dị, các kiện tụng cá nhân, các vụ làm ăn va chạm ). Ngoài ra người Mỹ còn được xem những phiên toà được xử trực tiếp trên Ti Vi như những phương cách giáo dục luật pháp công cộng. Do đó nếu bảo họ không biết gì là sai.
2) Các quan toà, cảnh sát, luật sư, công tố viên làm việc quá lâu, ngày nào cũng như ngày ấy khiến họ trở nên chai cứng. Bồi thẩm đoàn là những người ở khắp nơi, đến từ mọi tầng lớp xã hội giúp họ thấy được sự khác biệt, mang sự tươi mát đến cho họ. Ngoài ra các bồi thẩm viên còn có thể dùng sự thông minh, hiểu biết giúp cho họ giải quyết những vấn đề bị bế tắc.
3) Luật sư có quyền không chấp nhận một người nếu cảm thấy họ không khách quan và có thể bất lợi cho thân chủ của mình. Do vậy vẫn đảm bảo công bằng cho bị cáo
4) Kinh nghiệm và kiến thức của 12 bồi thẩm viên khó có thể cho ra một quyết định đồng nhất. Đó là yếu điểm nhưng cũng lại là ưu điểm. Bởi vì thế tinh thần dân chủ của một nước tự do mới được thực thi và phát triển
5) Bồi thẩm đoàn thể hiện tinh thần đồng đội và trách nhiệm của người Mỹ đối với xã hội
6) 12 công dân đại diện cho 12 ý kiến đến từ các tầng lớp khác nhau, các trình độ giáo dục cao thấp riêng rẽ, các màu sắc khác biệt của từng sắc tộc ... đó mới chính là cái hay của hệ thống bồi thẩm đoàn. Nếu quyền xét án chỉ tập trung trong tay một vị chánh án thì rất dễ dẫn tới sự chuyên quyền.
7) Bản chất của Dân Chủ đó là sự tham gia của công dân vào chính trị một cách tự do, chủ động và hòa bình. Tham gia vào Bồi thẩm đoàn đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi tạo nên một xã hội minh bạch, công bằng
😎 Cái hay trong cách xử Bồi thẩm đoàn đó là nghiên về LÝ nhưng lại được TÌNH quyết định. Có những vụ án về lý sai hoàn toàn nhưng lại hợp tình. Nếu là Thẩm Phán - những người am hiểu về luật pháp họ sẽ khăng khăng theo luật pháp xử có tội. Tuy nhiên Bồi thẩm đoàn là những thường dân, thấy sai về lý nhưng hợp tình thì họ vẫn có thể phán vô tội. Đây chính là sự nhân đạo.
THA LẦM CÒN HƠN KẾT TỘI LẦM - Đó chính là căn bản của luật pháp Hoa Kỳ !
----------------------------
Comments
Post a Comment