Sách là giấy,sách hay để đọc và sách dở cũng nhúm lửa được
Lịch sử Tàu hình như ghét những ông vua "quyết đoán" như Tần Thủy Hoàng hoặc Tào Tháo,nói xấu đủ điều,chỉ thích những kẻ "âm nhu" kiểu Lưu Bị
Đốt sách, chôn Nho là hành vi được người đời sau coi là tàn bạo nhứt của Tần Thủy Hoàng
Nhưng thực tế có vậy đâu
Sau khi thống nhứt Lục Quốc thành một Tần Thủy Hoàng thay đổi chế độ phân phong (phân đất phong hầu) thành phân chia quận huyện .Rồi thống nhứt một kiểu chữ viết,một đơn vị đo lường chung...
Nhưng có nhiều người phản đối
Tần Thủy Hoàng đốt một số sách của phe chống,đốt những cuốn sách không có giá trị, Tần Thủy Hoàng không chôn sống Nho sĩ mà là chôn sống các "thuật sĩ"luyện đan dược lừa đảo
Khi người ta phát hiện lăng mộ Tần Thủy Hoàng có hàng vạn pho tượng đất thì hiểu rằng "giai thoại" ép người tuẩn táng là không có.Nhà Tần nhân văn thậm chí còn nhiều hơn nhà Hán sau này,các vua Hán có thói quen chôn sống theo mình đầy tớ,người hầu và các phi tần ,tục này tới đời Hán Tuyên Đế mới bỏ
Năm 1921 phát hiện một bia đá thời Tần ở núi Lang Nha, thuộc tỉnh Sơn Đông chạm khắc 447 ký tự cổ
Bia đá Lang Nham chép về việc Tần Thủy Hoàng thống nhứt thiên hạ, ban bố các quận, huyện, xây dựng một hệ pháp luật chung
Trên bia còn ghi : "Nay hoàng đế bình nhứt bốn bể, xây thành làng mạc, thiên hạ thái bình...thiên hạ một nhà, không cần khởi binh,tận diệt tai ương, buông binh khí xuống"
Một ông vua sáng suốt
Chơt nhớ Tào Tháo có bài thơ"Đối tửu ca"
"Nâng chén ca
Buổi thái hoà
Quan không thúc thuế
Vua chúa sáng hiền
Trung lương tướng tá tài ba
Cùng nhau nhường kính
Tranh chấp không xảy ra
Ba năm cày cấy, chín năm vẫn ấm no
Lúa gạo đầy kho
Việc nặng không đến người già
Mưa thuận gió hoà
Ngũ cốc được mùa
Bắt ngựa hoang
Giúp canh tác mùa màng
Các vị công, hầu, bá, tử, nam
Đều yêu thương dân chúng
Thưởng phạt phân minh
Coi dân như con em mình
Kẻ phạm lễ pháp
Tuỳ nặng nhẹ xử hình
Ngoài đường của rơi không ai nhặt
Trong lao tù vắng tanh
Mùa đông không có án
Người già cả
Sống trọn tuổi trời
Cả thảo mộc côn trùng, ân đức đều đến nơi"
Một trời thạnh trị,ước mơ ngàn đời của các bậc minh quân
Đọc sử là ta phải đọc sách hay,có một chút chánh kiến để rồi tìm tới những gì ta thực sự muốn biết,muốn đọc
Trong đời,có nhiều cuốn sách dầy cui chỉ để đọc đúng một hàng,nhớ một ý và để đó rồi đi tìm những ý cần thiết mở rộng ra nó ở những cuốn khác,đời người đãi cát tìm vàng là đây,nhiều khi chết mà tìm chưa ra chân lý đời
Tôi tự hào là những năm còn học sinh cấp 2,khi mà sách báo khi đó chửi vua Gia Long là "Thằng"," Y" ,"Hắn" ,"Phản động" đã có một cảm tình kỳ lạ với vị Hoàng Đế này
Có lẽ chỉ có lòng người Miền Nam mới có cảm giác đó
Trong lòng tôi những Võ Tánh,Ngô Tòng Châu,Lê Văn Duyệt,Trương Minh Giảng,Trương Vĩnh Ký,Tôn Thọ Tường,Nguyễn Hữu Huân ,cha Bá Đa Lộc,cha Đắc Lộ... có một địa vị đặc biệt
Nhiều sử gia viết :"Nguyễn Huệ là một thiên tài đặc biệt về quân sự"
Nhưng họ không chép tiếp những "hậu quả" của những chiến dịch quân sự liên miên,những cảnh thúc lương,bắt lính triền miên.Và hậu quả của sự suy yếu từ kinh tế dẫn tới xã hội căng thẳng,dân tình oán thán,nội bộ xào xáo ,diệt vong tất yếu của nhà Tây Sơn
Ăn chỉ đánh và đánh không lo kinh tế thì bốc cái gì nhét vô miệng lính? Hốt của dân hoài rồi dân cũng sạch túi,của đâu cho anh vét hoài
Thậm chí sử gia Trần Trọng Kim viết câu này cũng không tròn vẹn:
"Vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn, là ông vua anh dũng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền tài văn học. Khi ngài ra lấy Bắc Hà, những người như Ngô Thì Nhiệm, Phan Huy Ích đều được trọng dụng và nhất là đối với một người xử sĩ như Nguyễn Thiệp thì thật là khác thường…"
Độ lượng ư? Độ lượng sao mà anh em mâu thuẩn ý thôi mà kéo đại binh đánh nhau chết lính hàng vạn, đem quân ép vua anh đang bịnh nặng phải run cầm cập tới đường cùng mà leo lên nóc nhà thờ cha mẹ khóc lóc thảm thiết:"Bì òa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn? (Nồi da xào thịt, lòng em sao nỡ?)"
Độ lượng sao sai Vũ Văn Nhậm cho bốn con ngựa xé x-ác g-iết Nguyễn Hữu Chỉnh ra mấy miếng trong khi ông Chỉnh chưa hề phản lại,đó là một công thần từ đầu vì mình mà bị mang tiếng "rước giặc về đất Bắc"
Ta thấy rõ ràng Nguyễn Huệ không tự tay giết ông Chỉnh.Khi bỏ Chỉnh lại Thăng Long là Nguyễn Huệ đã cố ý mượn tay người Bắc để giết Chỉnh.Rồi sau Vũ Văn Nhậm giết Chỉnh chứ Huệ đâu có giết
Nguyễn Huệ không muốn tự tay giết Chỉnh vì sợ cái tiếng vắt chanh bỏ vỏ,người khác sẽ né mình
Khi ở Nghệ An thì Lê Chiêu Thống và Nguyễn Hữu Chỉnh có sai Trần Công Xán làm sứ giả vào Nam gặp nói chuyện,nói với Nguyễn Huệ là trả đất Nghệ An lại cho nhà Lê
Nghệ An vốn là đất thang mộc của nhà Lê, đang bị Tây Sơn chiếm giữ
Nguyễn Huệ không trả đất, làm bộ cho Trần Công Xán 100 nén bạc nói là của công chúa Ngọc Hân tặng rồi tiễn sứ đoàn lên thuyền về nước nhưng khi thuyền đến hải phận Nghệ An cho người đục thuyền nhấn chìm,Trần Công Xán và đoàn tuỳ tùng đều thiệt mạng.
Nguyễn Huệ phao tin lên sứ đoàn gặp bão chết để tránh cái tiếng giết sứ giả
Rồi Vũ Văn Nhậm mới vui.Vũ Văn Nhậm là phò mả,con rể của ông anh Nguyễn Nhạc
Sau khi Nguyễn Huệ sai Nhậm ra Bắc giết Chỉnh bằng bốn con ngựa.Chỉ một thời gian ngắn sau vì nghe lời của Phan Văn Lân và Ngô Văn Sở cho rằng Nhậm có ý đồ làm phản mà Nguyễn Huệ ngày đêm hành quân gấp ra Bắc,đang đêm vào thành lúc ông Nhậm đang nằm ngủ,Huệ sai Hoàng Văn Lợi đâm chết Nhậm tại giường ngủ
Nhiều sử gia lên án Gia Long trả thù nhà Tây Sơn ,Nguyễn Huệ quá tàn ác nhưng họ "quên" ghi lại cho con cháu đọc rằng Nguyễn Huệ trước đó sau khi chiếm Phú Xuân ,đuổi chúa Nguyễn chạy vào Gia Định thì việc làm đầu tiên của Nguyễn Huệ đã đào hết lăng tẩm của 8 đời chúa Nguyễn tại Thừa Thiên, lấy hài cốt ném xuống sông
Ngày nay nhiều lăng tẩm chúa Nguyễn mà con cháu thờ tự thực ra là xây sau 1802,ta kêu là "mả vọng",tức không có hài cốt trong đó
Nguyễn Huệ đã tận diệt gần hết dòng họ Nguyễn Phước
Những người anh em trai ruột của Gia Long đều bị quân Tây Sơn giết chết và chỉ còn người cuối cùng sống sót là chính ông-Nguyễn Ánh
Đọc sử thấy Nguyễn Huệ với Miền Nam cứ điệp khúc hành quân vô Nam cướp bóc,đào tường khoét vách,dỡ nhà đào của,giết chóc,tàn sát
Cù lao Phố,Chợ Lớn,Mỹ Tho đại phố xưa đã bị tán sát,đốt phá là do bàn tay Nguyễn Huệ
"… Tính ra Thế Tổ nhà Nguyễn đã chiến đấu suốt 25 năm (1777-1802) để hoàn thành sự nghiệp thống nhất và bình định nước Việt Nam từ Cà Mau ra tới Nam Quan
Trong một phần tư thế kỷ đó Người đã trải qua bao phen vào sinh ra tử, nhục nhã gian lao, nếu không phải là người có tài, có chí, cương quyết và nhẫn nại thì khó mà thành công được…" (Phạm Văn Sơn )
Người đọc sách là phải biết lượm lặt thông tin và sáng suốt tìm tòi sự thực
Ngạn ngữ có câu:"Quân tử ba ngày không đọc sách, lời nói đã nhạt. Quân tử ba ngày không soi kiếng, mặt mũi đáng ghét"
Vũ Tài Lục có tặng thêm một câu"Không đọc sử không đủ tư cách nói chuyện chánh trị"
Nghiên cứu lịch sử tuyệt đối không chỉ nghiên cứu quá khứ của sự kiện mà còn căn cứ vào quá khứ để liên tưởng hiện tại và tương lai đi theo một tinh thần lịch sử nhứt quán,xứ Việt chúng ta lịch sử cứ trùng lại,lặp lại
Đọc sách để biết cách cư xử,cũng như đi học để biết lẽ đời
Đọc sách để tự nhận ra mặt trận "tuyên truyền" hàng hàng lớp lớp như thiên la địa võng
Chúng ta có khả năng trí óc của chúng ta,nhận ra,tìm tòi,viết sử theo đúng sự thực,theo cách thức mà chúng ta cho nó mới là đúng
"Người viết sử viết bằng mực máu
Ta viết gì đau thấu thịt xương
Trước ta là bãi chiến trường
Sau ta thế hệ đang vươn nửa vời "
Ở VN ta không biết tự bao giờ có tục Vu Lan tháng 7 AL là có trò bông hồng cài áo
Chữ hiếu 孝 trong người Á Đông rất quan trọng, cha mẹ ông bà sanh ra ta,dạy dỗ ta,để lại nhà cửa ruộng vườn cho ta…Dù giàu hay nghèo ,no hay đói vẫn phải làm cha mẹ vui,sống lâu cùng con cháu
"Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Em ơi hãy nhớ năm xưa
Những ngày còn thơ
Công ai nuôi dưỡng"
Cái lệ ai còn mẹ thì cài bông đỏ,ai mất mẹ thì cài bông trắng từ tác giả là ông Thích Nhất Hạnh –một vị thiền sư rất màu mè
Năm 1962 khi Nam Kỳ thời VNCH tràn đầy khói lửa chinh chiến,ông Thích Nhất Hạnh viết một bài văn ngắn về mẹ là "Bông hồng cài áo",ông kể bên Nhựt Bổn ngày của mẹ thì giới trẻ Nhựt hay cài bông đỏ lên ngực cho ai còn mẹ,cài bông trắng lên ngực cho ai mất mẹ
Bây giờ nhìn lai ta thấy có gì đó chênh vênh
Cài bông màu hồng,màu đỏ thì "sung sướng",còn cài bông trắng thì đau đớn,ràn rụa ,ray rứt,nước mắt tuôn trào
Đã có một sự không cân bằng tâm lý trong một cái lễ mang mùi Phật trong chùa,nên biết đó chỉ là một thủ thuật mang hơi hám tôn giáo
Triết lý của Đức Thích Ca Mầu Ni là chúng sanh bình đẳng,giải thoát mọi chúng sanh khỏi đau khổ trần ai
Nhìn cái bông phân loại màu thì rõ là có sự phân biệt ,có khác chi lấy những người mất mẹ đang đau đớn ray rứt đó làm nền cho những người còn mẹ nhìn thương hại , hả hê sung sướng vui mừng ?
Làm ơn bỏ trò bông đỏ,bông trắng dùm
Đức Phật nói: "Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sanh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong các nẻo đường sanh tử"
Ông Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, một triết gia, một nhà văn hay là một nhà hoạt động chánh trị vẫn là câu hỏi khó trả lời
Riêng cá nhân tôi không thích cũng không ghét ông.Nhưng Tôi chưa bao giờ đọc và không có ý định đọc những cuốn sách thiền của ông,tung hô ông như Thánh Thần chỉ thua có Đức Đạt Lai Lạt Ma
Tại vì trong cuốn"Hoa Sen trong biển lửa"xuất bản 1967 ông làm tôi xám hồn vía
Dài dòng,biện chứng tư duy để rốt cuộc ông chốt Hoà Thượng Quảng Đức "tự thiêu" là chân lý,phải như vậy mới đúng cách của Phật giáo
Sau 1963 thầy Thích Nhất Hạnh thuộc phe Ấn Quang ở nước ngoài
Danh xưng thiền sư 禪師(Zen Master) là người đã Kiến Tánh
Kiến tánh là nhận rõ cái tánh chơn thật của chính mình trong thiền tông tu tập
Tại sao ông Thích Nhất Hạnh không xưng là 和尚 hoà thượng như những vị sư của thiền phái khác?
Và trong cuốn sách "Hoa sen..." kể trên lượm ra vô số những thuật ngữ quen quen
Ông viết vầy:
"Trong tâm trí người Việt Nam hồi đó nhất là người dân quê, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ anh hùng ái quốc chống Pháp và dành độc lập cho Việt Nam "
Thích Nhất Hạnh viết "Cách Mạng tháng Tám năm 1945" , "ủng hộ Nam Bộ kháng chiến"
Thiền sư gọi HCM là "cụ",cụ Hồ Chí Minh ,nhưng gọi trống không là Bảo Đại và Ngô Đình Diệm
Ông viết quần chúng,chiến khu ,phong trào yêu nước ,xài từ "người Công Giáo yêu nước"
Lưu ý là chữ Cộng Sản viết hoa và chữ "quốc gia" ông viết thường ,cho vô ngoặc kép
Ông ghét TT Ngô Đình Diệm khi cho tổng thống có "một mớ uy tín".Uy tín mà tính ...mớ như tôm cá
Cười gượng...và cá nhân tôi tất nhiên không muốn đọc cuốn sách thứ 2 nào của ông,dù là sách thiền,sách Phật
Đơn giản,ông là sư chánh trị,lòng dạ ông có một tấc thì tinh thần Phật của ông chắc cũng chỉ có một gang tay thôi,đọc làm gì cho mệt ,có hằng hà cuốn sách tôn giáo ,chánh trị khác hay hơn
Bạn có tin rằng một người chưa hề ăn chay,không gỏ mõ tụng kinh,không siêng đi chùa nhưng "ngộ" tinh thần của Phật,viết sách về Phật pháp còn "mùi" hơn mấy ông "Thiền sư" ,"Hòa thượng" không?
Có một cuốn sách tựa ngộ ngộ "Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra" nghe cứ như là PR cho quán massage hay lầu xanh nào đó,chí ít là như mấy cái hắc điếm trong Thủy Hử bầm thịt người làm nhưn bánh bao ,hầm xương người nấu phở vậy,cuốn sách có cái tựa thoạt đầu nghe như nhiều hơi hám ô trọc
An ủi đi, "Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra"còn đỡ đó,mốt sẽ có "Sài Gòn lòn trên thọt dưới","Sài Gòn thả dú lang thang" ,"Sài Gòn nút lưỡi đê mê"
Để trò vài bữa ra một cuốn"Sài Gòn bị hiếp dâm" cho nó có tụ
Những năm gần đây sách in nhiều nhưng vô giá trị phần lớn,những tác giả có khả năng điều binh khiển chữ,có tư cách,tư tưởng chết lần hồi.Đi nhà sách ,đường sách một ngày không lựa được cuốn nào
Không phải ai cũng viết được,viết cho ra chữ,ra ý,viết cho mọi người hiểu và thích là một cái khó,nó thiên về bẩm sinh
Kỳ nhông cắc ké,văn năm mươi xu mà in sách hàng chục cuốn.Mà in dễ thôi mà,bỏ tiền mướn nhà in,kiếm một nhà xuất bản "treo đầu dê bán thịt chó"
Viết trước nhứt văn phong phải giản dị,dễ hiểu,ai đọc cũng hiểu , trình bày bất cứ vấn đề nào cũng mạch lạc,rõ ràng dễ đi vào lòng người
Quan trọng là nó hình thành ra một cách viết riêng của người đó,bà con đọc sẽ biết là của người đó
Và người đó phải có lòng ,có sự điềm tĩnh,cách nhìn bao dung,có ý dùng con chữ của mình để thể hiện cái lòng yêu quê hương,vận dụng mọi cách dẹp bóng đêm,thao thức thúc đẩy cái tươi sáng cho quê nhà mình ,có lòng tự trọng ,tự hào dân tộc
Thành ra có nhiều bạn vô danh,viết bươi chữ cũng xuất bản bán sách,làm tù tì năm sáu cuốn,nhưng sách bụi bám trên kệ,không ai đọc,chẳng ai xem
Một cuốn sách phải có người đọc,đọc rồi mới bình coi nó thế nào,thậm chí lượm sạn ,tranh luận hay tệ .Còn đàng này không ai thèm đọc chứ đừng nói phản bác nó tệ hay tốt
Sách dịch cũng vậy ,không phải từ nguyên tác,không phải bạn có khả năng ngồi dịch là cuốn sách đó sẽ hay
Cái tài của người dịch không phải thông ngoại ngữ mà là khả năng diễn tả ra thành chữ Việt ,câu văn trơn tru,dễ hiểu,có tính thơ mộng và lôi kéo người xem bằng kinh nghiệm,kiến thức rộng rãi của mình
Người xem có quyền chê,chê hay khen thường tình,đơn giản sách in bán,bỏ tiền mua thì phải khen hoặc chê
Đâu phải cứ in ra là sẽ được khen
Nguyễn Ngọc Tư in trên hàng chục cuốn,nhưng chỉ có cuốn "Cánh đồng bất tận" là hút người xem thôi,mà trong cuốn đó cũng chỉ có 3 truyện là để lại ấn tượng sâu thôi,còn lại sau này lợt nhách,không có gì để nhớ
Sách quá dở mình để làm gì? nhứt là sách của kỳ nhông cắc ké
Dân Nam Kỳ quý sách,nhưng sách phải hay,có ý nghĩa,còn sách tào lao thì bán ve chai,gói bánh mì,nhúm lửa,lót vợ nằm đẻ ,thời bao cấp thì xé đi cầu
Nhớ thời bao cấp nhúm lửa nguyên bộ "... toàn tập" ,giấy nhập trắng tinh đốt cháy bắt mồi lửa kinh khủng
Đốt sách không ra gì thì cứ mạnh dạn mà đốt,vì nó không có giá trị gì.
Comments
Post a Comment