Skip to main content
Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, xin đăng lại câu chuyện cũ để tưởng nhớ những người thầy tôi, cũng là tưởng nhớ - tri ân những người thầy cô đã và đang vun đắp cho đời những mầm non xanh biếc
BÀI HỌC ĐẦU TIÊN 
Trích tập " Nơi Tôi Sống"
"... thưa thầy em đã thuộc bài học sáng nay trên bục giảng..." ( Trích nhạc phẩm Bài học đầu tiên). Bài học sáng nay là bài học nào? Bài học của trường? Bài học của thầy? Hay bài học của em?
Năm 7 tuổi, tôi học lớp 2, trường tiểu học Phú Định ở Sài Gòn. Trường nghèo, hay ngập nước cống mỗi khi mưa. Học trò, một nửa con nhà bình dân, xóm lao động ven kinh thúi Lò Gốm. Thầy chủ nhiệm kiêm luôn hầu hết môn trừ thủ công là một ông già sắp nghĩ hưu, tóc gần như trắng, da nhăn nheo, đôi mắt sáng và đôi bàn tay hay run run khi cầm phấn, thầy tên Bửu ( họ gì thì tôi không biết) nhưng cả trường đều biết các giáo viên ở đây, hầu như đều từng là học trò thầy.  
20/11 năm ấy, tôi nghe đám bạn kháu nhau tặng quà cho thầy chủ nhiệm. 
Tôi là học sinh giỏi nhất nhì lớp, lại được thầy thương nhất lớp, lúc ấy thì chưa biết lí do, chỉ biết cảm nhận con trẻ rằng thầy nghiêm khắc với tôi hơn, nhưng cũng kiên nhẫn và yêu thương trong từng lời dạy dỗ với tôi hơn nên tôi quý thầy lắm. Tôi quyết tâm phải tặng quà cho thầy.
Nhà tôi nghèo, nói nghèo là nói giảm bớt cho còn chút "hãnh diện" và thật là khó tìm một chữ ít nặng nề hơn. Nhà tôi nghèo lấy quà gì mà tặng. Cắn răng rứt hai trang giấy tập. Một trang xếp cái phong bì. Một trang viết một bài thơ thật dài để tặng thầy. ( Tôi làm thơ sớm, bằng miệng trước cả khi biết chữ, nên đời tôi định rồi, bị bệnh đa cảm và chữ ám cho cuộc đời sấp mặt về sau). Viết cái " án thơ" với nét cua bò ( dù đã nắn nót hết cỡ) cùng lỗi chính tả trầm trọng ( đến giờ vẫn hay bị) tôi sung sướng bỏ vào phong bì xấu tệ dán bằng cơm nguội rồi nhét sẵn vào túi áo. Tôi để tay lên túi, đập đập vài cái cho chắc rằng mình sẽ không quên nó ngày mai. Tôi cũng không quên tưởng tượng sự mừng rỡ của thầy khi nhận quà, bàn tay già nua hay run run đó sẽ xoa đầu tôi mà khen ngợi. Thật chờ mong khi được trao quà cho một người mà ta hằng yêu quý.
Hôm sau, buổi lễ ở trường diễn ra sôi nỗi, lũ trẻ con vừa được giải thoát khỏi bài phát biểu ê a mà hầu như hổng đứa nào biết thầy hiệu trưởng nói gì. Chúng ùa ra trước cổng mua đầy những bịch bông giấy rồi tung đầy trời, một cơn mưa màu sắc phủ xuống những mái đầu xanh kèm tiếng cười nắc nẻ. Tôi đứng nhìn ngưỡng mộ những sắc màu dư dã và rực rỡ ấy, chỉ ước gì có ai dúi cho mình 500 đồng để chơi cho thoả. ( Thật ra mẹ có cho tôi 500 đồng mỗi sáng nhưng tôi không bao giờ dám dùng, tan học về tôi lại nhét nó vào ống heo tự chế để dành mua sách, sách cũ, hiển hiên, vì đó là thú vui phù hợp với số phận tôi cho tới giờ).  Tôi loanh quanh một chút trong sân, cốt đợi các bạn tặng những hộp quà bọc giấy kính đẹp đẽ hay mấy cái phong bì xịn có hình chiếc máy bay đúng chuẩn của bưu chính Việt Nam xong thì mới dám vào tặng quà cho thầy. Ít ra rằng, một thằng nhỏ có liêm sĩ cũng phải biết né né mấy thứ lấp lánh chà bá có thể hạ bệ oai phong mình trước mặt bàn dân thiên hạ chứ.
Khi tôi mon men vào lớp, một cảnh tượng kì lạ trước mắt mình. Tất cả học sinh ngồi im trên ghế, tay để trên bàn, quà trong học bàn, thẳng lưng và im lặng. Không khí đột ngột ngột ngạt làm tôi lúng túng, tôi đưa mắt nhìn lên bục giảng thì thấy thầy đang ngồi im lìm nơi đó, theo thói quen thì với nhịp thở gấp như vậy hẳng là thầy vừa giảng một bài rất dài, mà bài gì trong ngày 20/11 thì tôi không rõ ( thời đó, chúng tôi chỉ lên dự lễ chứ không học ngày 20/11). 
Bắt gặp tôi, ánh mắt thầy có phần dịu xuống:
- vào đi con, con chưa về sao?
Tôi cảm thấy hoang mang vì không khí quái dị này nên cứ luống cuống một lúc. Mất gần một phút định thần tôi mới mon men đến bục giảng, gần bàn thầy rồi móc cái phong bì để lên bàn
- con tặng thầy...
Giống như tôi vừa đánh thức một con sư tử già, dù không còn đủ oai vệ nhưng ánh mắt và tiếng gầm thì không lẫn vào đâu được. Sau đó là một cái tát trời giáng, nổ tròng đom đóm lên mặt tôi:
- mất dạy!!!! Ai dạy con cái thói này! Con mấy tuổi mà đưa bì, các con mấy tuổi mà học đổi chát, nịnh nọt. Đi học để làm gì
Ngưng để thở và tránh cơn đau tim, một tay vịn mép bàn, một tay thầy chỉ vào mặt tôi:
- cầm cái này cút. Nhớ cho tôi, bạt tay này tôi đánh thay ba mẹ trò. Bạt tay này nhớ suốt đời, làm người ngay thẳng, sống đúng với lương tâm, không nịnh nọt, không quà cáp. Các trò đem những thứ này đến là khinh thường tôi. Về nói với ba mẹ là thầy cám ơn nhưng thầy không nhận, các trò nói phụ huynh, thầy nói đừng dạy các trò làm như vậy nữa, nghe chưa.
Phần tôi, một cái trời giáng oan khiêng như Thị Kính thì tâm hồn bé bỏng của thằng nhỏ làm thơ như tôi làm sao mà chịu nổi. Tôi khóc! Dù ráng kèm lắm rồi, răng cắn chặt môi dưới muốn bật máu thì nước mắt vẫn chảy dài, lòng ngực căng lên như sắp nổ. Tôi không biết vì sao mình bị đánh. Tôi nghe, tôi thuộc từng chữ của thầy, nhưng lúc ấy, tôi không hiểu, cái đầu trẻ dại với trí nhớ khá dai chỉ thu nạp nó như một bài học mà ta cưỡng ép thuộc trong một trận roi vọt. Thuộc mà ấm ức và không hiểu gì cả. Lấy tay áo gạt nước mắt mà không biết làm sao. Tôi muốn tốc chạy ngay ra khỏi lớp cho đở quê, vì tôi đang là cái hồng tâm giữa lớp, nhưng tôi chạy thế nào khi thầy đứng kế bên. Nghĩ đến đó tôi càng khóc to hơn, khóc thành tiếng.
Con bé Mai Trang, gốc bắc, gan lì nhất xóm, gần nhà và là bạn duy nhất của tôi vào năm đó, nên tôi kể với nó gần như mọi chuyện. Nó đứng bật dậy (Sau này, tôi nhiều lần muốn hỏi nó, lúc đó sao mày dũng cảm vậy nhưng lại thôi, vì sợ nhắc lại cái hồi ức khóc nhè giữa lớp của mình)
Mai Trang cũng vừa thút thít vừa nói
- nó làm thơ tặng thầy sao thầy đánh nó
Tôi bận khóc không nhìn được gương mặt thầy vì mắt đã cay xè, chỉ nghe tiếng giấy sột soạt. Tôi cứ đứng đó khóc. Trời ạ, tôi còn làm được gì vĩ đại hơn trong thời khắc cao trào đó chứ, thế là tôi đệm thêm cho tiếng khóc mấy tiếng mắc cục hức hức để âm thanh bớt nhạt nhẽo và thêm phần sinh động.
Trong mấy phút dài như cả thế kỹ ấy, chợt một đôi tay già nua to lớn ôm chằm lấy tôi. Rồi tôi nghe thầy khóc. Tiếng người già khóc khác tiếng trẻ con, yếu ớt và phần nhiều là tiếng thở khò khè.
- con cứ như vậy đi, lớn lên cũng như vậy, sống vậy là tốt, sống vậy mới sạch
Tôi vẫn là cái máy ghi âm, không hiểu gì hết. Nhưng lúc này được trớn, tôi khóc tiếp đoạn cuối cho oai. Thầy tôi khóc, cả lớp khóc. Sau đó, chúng tôi cũng không biết sau đó thế nào, nhưng tôi và Mai Trang cùng nhau đi về với đôi mắt sưng đỏ, bên cạnh tôi là những hộp quà được chính khổ chủ vác đi rồi vác về, mắt ai cũng đỏ hoe. Nhưng trong lòng tôi dâng lên niềm tự hào nho nhỏ, ít ra quà của mình nằm yên trong túi thầy.
Năm học của chúng tôi là năm cuối cùng thầy dạy, năm sau thầy nghĩ hưu. Năm tôi 10 tuổi, có con bé Trâm ngọng bán vé số gần nhà qua nhờ tôi chỉ bài. Bài học thuộc lòng của nó ở lớp bổ túc tình thương là bài thơ có ghi tên tác giả Mạc Quảng Thịnh, tôi ngạc nhiên lắm hỏi thầy nó là ai, nó chu mỏ bảo
- ông thầy Bửu đó, ổng già mà ác lắm, tao ngu như bò mà bắt tao học thuộc cái bài dài thòn này. Đứa nào đi học cũng bị bắt học bài này hết trơn.
Tôi nghe xong vừa sướng, vừa buồn, vừa nhớ thầy. Rồi tôi gắt gỏng nạt nó
- bài thơ hay vậy mà không học thuộc được là tại mày ngu, đánh vần lại thờ ... Ây...thây...huyền...thầy...
Nó trừng mắt một cái rồi đọc theo, khổ nhất là bắt đứa ngọng đọc thơ
Năm tôi 15 tuổi, trước khi lại chuyển nhà, lần này xa hơn những lần khác, về tận Quảng Nam, tôi quyết tâm mò cho ra nhà thầy. Đến khi tôi thắng con chiến mã sườn sắt hay trật sên đến trước nhà thầy trời đã nhá nhem. Tôi gặp một ông già ốm yếu, tay chân run rẩy ngồi trên cái ghế bố trước nhà. Vợ thầy nói chuyện với tôi xong thì hai hàng nước mắt bà rơi nhưng nụ cười bà nở, tôi mãi mãi không quên nụ cười ấy. Bà quay qua nói như hét vào tai ông
- thằng Thịnh vào thăm ông nè, ông nhớ nó hông
- Ừ, ai, ai vậy
- bài thơ của ông đâu
- đây, đây nè, trong túi nè
Tay ông lục lọi lấy ra một đôi giấy tập việt tiến đã úa vàng, rách nhiều nơi được vá bằng băng keo
- mai đi ép lại cho tôi, của thằng Mạc Quảng Thịnh đó
Tôi nghe trời đất dập dềnh, mắt tôi lại nhoè và như là khi tôi 7 tuổi đang đứng giữa lớp học, tôi cứ đứng như vậy. Tôi biết làm gì đây, tôi cao lớn hơn nhưng tôi vẫn chỉ là một thằng nhóc làm thơ đa cảm mà thôi.
Nhiều, rất nhiều năm đã qua đi. Tôi hồ rằng thầy đã mất. Khi điện thoại đã phổ biến thì tôi lại không còn cơ hội gặp lại thầy. Những lúc đứng trước một vùng u tối cuộc đời mình, những lúc sóng gió bủa vây hay những khi cô đơn quá thể, tôi lại ngồi nhớ lời thầy : " con cứ như vậy đi, lớn lên cũng như vậy, sống vậy là tốt, sống vậy mới sạch". 
Thưa thầy, bài học sáng nay không có trong giáo án nhưng mà con đã thuộc..." có hạt bụi nào rơi rơi trên tóc thầy ..." 

MK Quang Thịnh

Comments

Popular posts from this blog

Bài viết của Thích Đu Đỉnh

Xin chào anh chị em CK. Lâu rồi em chưa bốc phét, chém gió với mọi người. Tuy em off khá là lâu, nhưng em rất vui vì có rất nhiều anh chị em, cả sếp T.A inb hỏi thăm, cảm ơn tất cả tình cảm của mọi người dành cho em, nay em lại ngoi lên 1 chút để chia sẻ với mọi người 1 số quan điểm sau cuộc họp FOMC vừa qua, cũng có thể liên quan đến 1 số dữ liệu trước đó nữa. Bài viết này em nghĩ sẽ khá là dài, hi vọng mọi người sẽ đọc hết bài viết này vì nó rất có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của mọi người trong những tháng cuối năm 2024 và thậm chí, sẽ kéo dài qua tới năm 2025.... Rốt cuộc sau 4 năm thì Fed mới cắt giảm lãi suất, rất nhiều chuyên gia Phố Wall, các thống đốc Fed đã nghỉ hưu, các thành viên FOMC cũng lên tiếng về việc này và thậm chí cả cựu chủ tịch Fed xưa cũ đều đưa ra thông điệp là Fed nên cắt 0.25% là tốt cho thị trường. Ở các cuộc họp FOMC trước đây, Fed luôn điều hướng thị trường bằng việc cho chúng ta thấy được gần như chắc chắn Fed sẽ cắt hoặc tăng lãi suất lên bao nhi...

CUỘC ÁM SÁT HOÀNG GIA

Tư liệu lịch sử. Bài khá dài, bạn đừng đọc nếu không chịu được chuyện chém giết dã man. ... Gần 1 năm sau CM10 Nga, đặc vụ Cheka (tiền thân của NKVD và KGB sau này) đã hạ sát vợ chồng Sa hoàng cùng 5 con, người nhỏ tuổi nhất là hoàng tử Alexei 14 tuổi vốn mắc chứng bệnh không đông máu. Cùng bị giết là 4 người thân cận của họ. Sau những cuộc điều tra công phu và dựa vào cả hồi ức của một số sát nhân, toàn cảnh vụ ám sát gia đình Sa hoàng đã được dựng lại. Xin đưa lại như tài liệu tham khảo cho các bạn nào quan tâm lịch sử. . 1. Ngày 14/7/1918, Yakov Yurovsky chỉ huy trưởng Cheka tại nhà giam Ipatiev thuộc tỉnh Yekaterinburg đã có trên tay kế hoạch cuối cùng cho cuộc hành quyết gia đình Sa hoàng và thủ tiêu tang chứng, với sự tham gia của Piotr Ermakov, chính ủy tiểu đoàn công nhân tình nguyện Verkh-Isetsk khét tiếng. Ngày 16/7, lãnh đạo Soviet Ural Goloschyokin và Safarov gửi mật điện lên Moskva lúc 6 giờ chiều, và Yurovsky kể lại y nhận được mật điện chuẩn y vụ hành quyết lúc 7 giờ tố...

PI IS NOT FREE MONEY

Đôi lời gởi tới các bạn Pioneers, Vốn dĩ mình đã ở ẩn từ lâu từ sau vụ PNG , Trang Trại Pi Nodes , CVG 314k vừa ngu vừa ngáo quá thắng thế thành công tẩy não cộng đồng Pioneers và khiến cộng đồng luôn mang tư duy Pi lên sàn phải có giá cao để bán ( xả ) Pi để lấy tiền tiêu nên kể từ đó đến giờ 2 năm mình chọn ở ẩn và chẳng quan tâm tới các cộng đồng ngáo đá nữa . Nay có một thằng em FB hỏi thăm về Pi và mang hy vọng Pi có trong danh sách Quỹ Dự Trữ Chiến Lược Kỹ Thuật Số ( Strategic Crypto Reserver - SCR ) của Tổng Thống Trump ngày 7 tháng 3 sắp tới nên mình có đôi đều phải nói rõ cho các bạn hiểu . Thứ nhất : Quỹ Dự Trữ Chiến Lược Kỹ Thuật Số là sáng kiến mang lại cho Dân Mỹ , giúp trả nợ công và đặt nước Mỹ là trên hết , nên các bạn đừng có mơ tưởng hay tư tưởng ăn bám vào tiền thuế của dân Mỹ như nhóm PNG , CVG . Nước Mỹ bây giờ không còn như ngày xưa luôn lo chuyện bao đồng rồi nhận lại là sự phản bội của các nước được nước Mỹ giúp . Nước Mỹ bây giờ là nước Mỹ của DÂN MỸ ! Pi Netw...