Skip to main content

VI SAO BI QUAN VỀ LẠM PHÁT HOA KỲ? (230715)



Tôi có cô em ruột, từng là dược sĩ phụ trách tủ thuốc trong một bệnh viện rất lớn tại Texas, nay đã về hưu. Hôm bữa, cô em chuyển qua điện thư bài "Người Từ Trăm Năm" lưu truyền trong cộng đồng mạng. Bài có nhắc đến một nhân sĩ Trung Hoa đời Tống là Thiệu Khang Tiết.


Tôi biết sơ về nhân tài này đời Bắc Tống (sinh 1011, mất 1071, tên Thiệu Ung, tự Nghiêu Phu, hiệu Khang Tiết), được nhiều người ghi ơn vì nghiên cứu về Dịch và phát minh một phép bói gọi là 'Mai Hoa Dịch Số'. Ngày xưa, tôi có học cho nên đêm Giao thừa hàng năm vẫn bói xem thế giới ra sao vào năm tới.


Từ mấy năm nay, tôi hết muốn bói, nhưng tin là nhiều người Hoa – và cả lãnh đạo Bắc Kinh – vẫn cứ bói vì họ muốn, và nhất là cần, biết trước cái tương lai không có ai định sẵn!


Marx rồi Lenin và các tay lý luận cộng sản nối tiếp ở nhiều nơi không thể xác định chủ nghĩa xã hội là gì và bao giờ đảng sẽ đưa toàn dân lên chủ nghĩa cộng sản. Nhưng khi nắm quyền trong tay, họ đều có thể kết án đồng chí khác là chệch hướng mà thủ tiêu, đấu tố, hoặc cho vào tù! Sau Stalin, nhân vật khét tiếng về các thủ thuật đó là Mao Trạch Đông.


Vậy mà nghe nói y vẫn thường đòi Quách Mạt Nhược xủ quẻ bói cho mình. Tất nhiên, họ Quách không thể bói ra vụ Đại Dược Tiến (Bước nhảy vọt vĩ đại) do Mao phát động từ 1958 đến 1961 sẽ làm mấy chục triệu người chết đói trong mùa gặt. Có bói ra cũng chẳng dám nói! Thành thử, mê tín nhất chính là loại cộng sản tự xưng có tinh thần khoa học.


Trở lại chuyện hiện đại, chúng ta có các câu hỏi thực tiễn và khiêm nhường hơn. Thí dụ nóng bỏng là nạn lạm phát tại Hoa Kỳ hoặc trên thế giới.


***


Tuần qua, ngày Thứ Tư 12/7, các thị trường tài chánh Hoa Kỳ đều mừng khi thống kê chính thức từ Văn phòng bộ Lao Động về Chỉ số Hàng tiêu thụ (Consumer Price Index) cho thấy mức lạm phát trong Tháng Sáu đã giảm - chỉ còn 3%. Khi đó, người viết này đang lè lưỡi lóc cóc về 'lạm phát và kinh tế toàn cầu' bèn dừng tay suy ngẫm và dù chẳng bói đã gõ ngay rằng bà con ơi, xin chớ vội mừng!


Hôm nay xin cố giải thích tại sao khi đó lại nghĩ vậy (và xin lỗi trước nếu trình bày chưa đủ giản dị cho mọi người chúng ta cùng hiểu một vấn đề hơi chuyên môn!)


Thứ nhất, về phương pháp thống kê. Các chuyên gia của BLS - Bureau of Labor Statistics, Văn phòng Thống kê Lao động - trong Bộ Lao Động hàng tháng thu thập các dữ kiện thống kê về vật giá của khoảng 80 ngàn loại hàng tiêu thụ, rồi khai thác, phân tách và công bố kết quả cho dân chúng biết. Văn phòng được lập ra từ 1884, mà lối tổ chức và các phương thức khai thác thống kê được cải tiến để từ một nhóm dân số mẫu có thể suy ra tình hình của 93% mọi ngành trên toàn quốc.


Đó là về không gian.


Về thời gian thì Chỉ số CPI thu thập trong Tháng Sáu năm nay (tôi cố viết hoa các ngày và tháng vì dân ta lạng quạng từ hơn trăm năm về cách đếm ngày và tháng!) được so với Tháng Sáu năm trước để xem giá tiêu thụ CPI lên/xuống bao nhiêu trong một năm. Vừa qua, sai biệt CPI từ Tháng Sáu 2022 qua Tháng Sáu 2023 khiến ta nói lạm phát quy ra toàn năm (thuật ngữ chuyên môn là year-over-year, báo chí có khi viết tắt ra yoy) là 3%, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (từ nay gọi tắt là Fed) tự đặt tiêu chí là giữ lạm phát ở 2% thôi.


Lạm phát từ hơn 6,4% cuối năm ngoái mà sụt đến 3% thì đấy là tin mừng chứ gì?


Tôi không tin vậy và nghĩ Fed còn vất vả ít ra hơn một năm nữa trong trận đấu chống lạm phát. Lý do ư?


- Nhiều lắm mà quý vị hên vì trình độ người viết chỉ thấy được có ba bốn thôi. Nhìn ra cũng đủ lãng quên đời!


Đây nhé lý do thứ nhất, thuộc loại nhập môn về thống kê:


Về khái niệm lạm phát qua CPI: Cơ quan hữu trách về thống kê lập ra một cái giỏ gồm các loại hàng hóa và dịch vụ tiêu biểu, coi như giỏ mẫu cho người tiêu thụ, để có Chỉ số CPI là con số tích lũy và khá chi tiết. Khi so Chỉ số này ở hai thời điểm thì ta có sai biệt về vật giá, là lạm phát nếu CPI tăng, và giảm phát nếu CPI giảm.


Chưa hết mệt đâu… Nếu so chỉ số tháng này với tháng trước, thì ta đo tính chất quá dồn dập của vật giá nên cần khoảng thời gian dài hơn, để làm dịu bớt sự trồi sụt ngắn hạn. Khoảng thời gian đó là một năm!


Xin lấy ví dụ có thật: Chỉ số CPI Tháng Năm 2022 là 292,296 qua Tháng Năm 2023, nó là 304,127 (để ý đến ba con số sau dấu phẩy, thương quá!) Lấy CPI mới chia cho CPI cũ (304,127 ÷ 292,296) thì ta có 1,04. Con số 04 đó là 4%: lạm phát quy ra toàn năm giữa Tháng Năm 2023 với cùng kỳ năm ngoái là 4%.


Cứ như truyện tình khi ngày xưa mới đáng nhớ vì là cơ sở đếm ra ngày nay!


Vật giá mà tăng 4% hay 3% là tùy vào vật giá hồi Tháng Năm, Tháng Sáu năm ngoái. Trong một năm, ta có 12 mức lạm phát của 12 tháng. Vậy sao vội mừng với một con số 3% lẻ loi?


Huống hồ, nhớ lại số liệu 2022, ta thấy Chỉ số CPI của nửa năm sau lại khựng, chập chờn ở khoảng 295 thôi. Vậy mà thị trường vẫn có ấn tượng bị lạm phát cao vì so với tình hình vật giá năm 2021. Nếu suốt nửa năm tới, lạm phát vẫn ở mức 3% đang được coi là tốt đẹp thì so với vật giá nửa sau của năm 2022 (đã bị khựng), mức lạm phát vào cuối năm nay có thể là 4,3%!


Thống kê dắt ta vào cõi lắt nhắt như vậy mà báo chí sẽ tóm gọn với một con số: lạm phát đã từ 3% lên tới 4,3% vào cuối năm! Vì vậy, Fed sẽ bị áp lực là phải nâng lãi suất nữa?


Lý do thứ hai khiến ta chưa lạc quan là "không quên trí nhớ"! Năm 2008, 15 năm trước, Fed có thời bi hùng (bi thảm vì hùng hục) học chánh sách tiền tệ Nhật Bản với ký tự viết tắt ZIRP và QE, (Zero Interest Rate Policy và Quantitative Easing). Hạ lãi suất đến sàn rồi còn bơm thêm tiền để "tăng mức lưu hoạt có định lượng". Ngân hàng Trung ương Liên Âu cũng vậy và kéo dài khủng hoảng. Ngày nay, Fed học từ tấm gương về bao lệch lạc do chánh sách quá đáng và bị duy trì quá lâu đã gây cho thị trường nên đang… bước sang bên kia tấm gương: tăng lãi suất.


Nhưng từ khi khóa dần vòi lãi suất đến lúc thấy ra hậu quả bất lường lại có thời khoảng cách biệt, ở giữa là vùng khan hiếm làm vài ngân hàng nằm chỏng gọng vì quản lý kém, nay thiếu bạc mặt! Nếu Fed lật đật bơm tiền cứu các thân chủ ký thác vào ngân hàng thì lại gây ra nạn 'ỷ thế làm liều' ("moral hazard", thuật ngữ bảo hiểm). Ta hiểu tại sao Thống đốc Jerome Powell phát biểu thận trọng hơn mọi chính trị gia trên đời, rằng hội đồng tiền tệ "sẽ lấy quyết định trong TỪNG buổi họp, trên cơ sở của MỌI dữ kiện thu thập được".


Khi nhớ lại lý do vừa nói về kết cấu và sự xê dịch từng tháng của Chỉ số CPI, ta thông cảm với lời phát ngôn và quyết định của Powell. Nhân vật đó biết không thể bịt mắt tắt đèn mà tính: mọi cử chỉ, hành vi hay phát biểu đều được theo dõi rồi loan tải 24 tiếng một ngày – trên toàn thế giới. Ông càng biết nửa sau của năm, từ Tháng Bảy mới là điểm lật vì người ta sinh hoạt theo mùa và mỗi dữ kiện chứng minh lạm phát sẽ cao hơn 3% lại gây thêm áp lực cho Fed. Mà nâng lãi suất quá thì có thể dẫn đến nạn suy trầm (recession).


Nhân đây, xin nói lại (lần thứ 100!): chữ 'suy trầm' được dùng đã lâu, từ trước 1975, để dịch 'recession'. Dịch ra suy thoái là gây ấn tượng sai, đó là 'depression', khi sinh hoạt kinh tế chẳng chậm lại mà còn thoái lui và lan rộng, tức là nguy kịch hơn. Theo định nghĩa phổ biến, suy trầm là khi đà gia tăng sản xuất bị chậm lại trong hai quý liền, là điều bình thường về chu kỳ kinh doanh. Từ sau Thế Chiến II, trung bình cứ sáu bảy năm thì kinh tế Mỹ lại suy trầm một lần, nhưng ta chỉ biết kinh tế chính thức suy trầm nhiều tháng SAU khi nó xảy ra. Lời khuyên chí tình: tránh vào Wikipedia Tiếng Việt để tìm hiểu về kinh tế. Vô ích mà còn nguy vì người dịch thường không hiểu nên hay dịch sai! Thà cứ Google hỏi nhau.


Bây giờ ta ngó đến lý do thứ ba vì sao không lạc quan với lạm phát 3% căn cứ trên hai Chỉ số CPI Tháng Sáu 2023 và 2022. Hãy xem Chỉ số CPI gồm có gì, sau đó xin nhớ một quy luật lạ: thay đổi nhỏ của một phần lớn trong Chỉ số hoặc thay đổi lớn của một phần nhỏ trong Chỉ số đều tác động vào lạm phát!


Hãy cùng trở về 2022: Chỉ số CPI Tháng Sáu 2022 là 'điểm lật' (inflection point). Vì giá dầu thô tăng vọt khi Nga tấn công Ukraine rồi luồng cung cấp lẫn các biến động quốc tế khác làm giá dầu lên tới đỉnh vào Tháng Sáu. Sau đó là tuột! Xăng dầu chiếm có 17% ngân sách gia đình, nhưng gộp chung thành năng lượng (energy) thì liên can đến vận tải, giải trí, chi phối việc chuyển vận thương phẩm, vật liệu xây cất, thức ăn, nên giá cả lên xuống là tác động vào lạm phát mạnh hơn ta nghĩ. Đó là "em nhỏ mà lắc to" và em thường không báo trước.


Trường hợp kia còn đáng chú ý hơn: phí tổn về gia cư (cho chủ nhà hay người thuê) là khoản chi lớn nhất và ảnh hưởng mạnh đến lạm phát trong suốt năm 2022 qua tới 2023, từ 9% đến 10%. Khái niệm "gia cư" (housing) có thể gây hiểu lầm, Văn phòng BLS có loại "shelter" là Ngụ cư, và có Chỉ số CPI mà không tính Năng lượng và Ngụ cư. Chỉ số này cũng có đặc tính tăng vọt đến Tháng Sáu như năm ngoái rồi bắt đầu giảm ("điểm lật").


Lần này, rõ ràng Fed đang bị canh chừng.


Ngoài ảnh hưởng quá tai hại cho nền kinh tế, lạm phát không làm nhà giầu thấy quá vất vả, chứ gây thiệt hại nặng cho thành phần trung lưu trở xuống, kể cả dân lao động. Có kinh nghiệm về ngân hàng và chi thu hơn hẳn hai tiền nhiệm (hai tiến sĩ kinh tế Ben Bernanke và Janet Yellen), Thống đốc Jerome Powell ý thức được sự thách đố cho cả cơ chế qua hai yếu tố vừa nói, năng lượng và gia cư. Mà cả hai đều nằm ngoài thẩm quyền của ông, khi các chính trị gia lại phát biểu vô tội vạ nhằm kiếm phiếu, hai năm lại có một lần nên quanh năm cứ lép bép!


Cho nên ta bi quan là phải! Nhưng chưa hết, thưa quý vị… Vì Fed phải lách qua mối nguy lạm phát mà không lọt xuống hố suy trầm, kéo theo một tai họa mà năm ngoái ông Powell đã nói tới: nạn thất nghiệp!


Năm ngoái, muốn chứng tỏ ý chí chặn đứng lạm phát, ông còn liều lĩnh bảo rằng dù có thất nghiệp cao hơn thì cũng đành. Bây giờ, ông phải chặn hai thùng thuốc súng năng lượng và gia cư, rồi mong báo chí cùng chính khách đừng ném mồi lửa vào đó, trong khi mình cố tránh được suy trầm cùng nạn thất nghiệp!


Để (tạm) kết luận, chúng ta có thể nghĩ lạm phát từ nay đến cuối năm có thể ở giữa 3,10% với 5,50%, nhiều phần sẽ gần 4% hơn 2% như Fed trông đợi.


Đã quá 2.300 chữ về lạm phát tại Hoa Kỳ, đành xin khất bài "Giảm phát tại Trung Cộng" cho kỳ sau!
__
Hình minh diễn của BLS: Tỷ trọng chi tiêu trong Chỉ số CPI


(The Weighting of CPI Components. Of the eight categories used to generate the Consumer Price Index, housing is the highest at 41%. The next highest category, transportation at 16.8%, is less than half the size of housing. Other goods and services, and apparel, are the lowest at 3.4% and 3.6%, respectively. Source: www.bls.gov/cpi)

Comments

Popular posts from this blog

Bài viết của Thích Đu Đỉnh

Xin chào anh chị em CK. Lâu rồi em chưa bốc phét, chém gió với mọi người. Tuy em off khá là lâu, nhưng em rất vui vì có rất nhiều anh chị em, cả sếp T.A inb hỏi thăm, cảm ơn tất cả tình cảm của mọi người dành cho em, nay em lại ngoi lên 1 chút để chia sẻ với mọi người 1 số quan điểm sau cuộc họp FOMC vừa qua, cũng có thể liên quan đến 1 số dữ liệu trước đó nữa. Bài viết này em nghĩ sẽ khá là dài, hi vọng mọi người sẽ đọc hết bài viết này vì nó rất có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của mọi người trong những tháng cuối năm 2024 và thậm chí, sẽ kéo dài qua tới năm 2025.... Rốt cuộc sau 4 năm thì Fed mới cắt giảm lãi suất, rất nhiều chuyên gia Phố Wall, các thống đốc Fed đã nghỉ hưu, các thành viên FOMC cũng lên tiếng về việc này và thậm chí cả cựu chủ tịch Fed xưa cũ đều đưa ra thông điệp là Fed nên cắt 0.25% là tốt cho thị trường. Ở các cuộc họp FOMC trước đây, Fed luôn điều hướng thị trường bằng việc cho chúng ta thấy được gần như chắc chắn Fed sẽ cắt hoặc tăng lãi suất lên bao nhi...

CUỘC ÁM SÁT HOÀNG GIA

Tư liệu lịch sử. Bài khá dài, bạn đừng đọc nếu không chịu được chuyện chém giết dã man. ... Gần 1 năm sau CM10 Nga, đặc vụ Cheka (tiền thân của NKVD và KGB sau này) đã hạ sát vợ chồng Sa hoàng cùng 5 con, người nhỏ tuổi nhất là hoàng tử Alexei 14 tuổi vốn mắc chứng bệnh không đông máu. Cùng bị giết là 4 người thân cận của họ. Sau những cuộc điều tra công phu và dựa vào cả hồi ức của một số sát nhân, toàn cảnh vụ ám sát gia đình Sa hoàng đã được dựng lại. Xin đưa lại như tài liệu tham khảo cho các bạn nào quan tâm lịch sử. . 1. Ngày 14/7/1918, Yakov Yurovsky chỉ huy trưởng Cheka tại nhà giam Ipatiev thuộc tỉnh Yekaterinburg đã có trên tay kế hoạch cuối cùng cho cuộc hành quyết gia đình Sa hoàng và thủ tiêu tang chứng, với sự tham gia của Piotr Ermakov, chính ủy tiểu đoàn công nhân tình nguyện Verkh-Isetsk khét tiếng. Ngày 16/7, lãnh đạo Soviet Ural Goloschyokin và Safarov gửi mật điện lên Moskva lúc 6 giờ chiều, và Yurovsky kể lại y nhận được mật điện chuẩn y vụ hành quyết lúc 7 giờ tố...

PI IS NOT FREE MONEY

Đôi lời gởi tới các bạn Pioneers, Vốn dĩ mình đã ở ẩn từ lâu từ sau vụ PNG , Trang Trại Pi Nodes , CVG 314k vừa ngu vừa ngáo quá thắng thế thành công tẩy não cộng đồng Pioneers và khiến cộng đồng luôn mang tư duy Pi lên sàn phải có giá cao để bán ( xả ) Pi để lấy tiền tiêu nên kể từ đó đến giờ 2 năm mình chọn ở ẩn và chẳng quan tâm tới các cộng đồng ngáo đá nữa . Nay có một thằng em FB hỏi thăm về Pi và mang hy vọng Pi có trong danh sách Quỹ Dự Trữ Chiến Lược Kỹ Thuật Số ( Strategic Crypto Reserver - SCR ) của Tổng Thống Trump ngày 7 tháng 3 sắp tới nên mình có đôi đều phải nói rõ cho các bạn hiểu . Thứ nhất : Quỹ Dự Trữ Chiến Lược Kỹ Thuật Số là sáng kiến mang lại cho Dân Mỹ , giúp trả nợ công và đặt nước Mỹ là trên hết , nên các bạn đừng có mơ tưởng hay tư tưởng ăn bám vào tiền thuế của dân Mỹ như nhóm PNG , CVG . Nước Mỹ bây giờ không còn như ngày xưa luôn lo chuyện bao đồng rồi nhận lại là sự phản bội của các nước được nước Mỹ giúp . Nước Mỹ bây giờ là nước Mỹ của DÂN MỸ ! Pi Netw...