* Quí bạn cần biết một diễn biến liên quan: VUA TỰ ĐỨC GỌI TRƯƠNG ĐỊNH LÀ DƯỢNG (dượng rể họ). Triều đình Huế áp dụng sách lược "lưỡng diện" (兩 面): một mặt, công khai cầu hòa với Pháp; mặt khác, HẬU THUẪN ngầm cho Trương Định (vai dượng của vua Tự Đức) chống lại Pháp! (*)
/1/ Báo Tuổi Trẻ, hồi năm 2008, đăng bài "Phan Thanh Giản - nỗi oan 150 năm", theo đó minh oan cho cụ Phan: rằng cụ là người thanh liêm, đạo đức, có nhiều đóng góp lớn trên các lĩnh vực văn học, sử học... Những phẩm cách, đóng góp đó - nói nào ngay - là sự thực đương nhiên. Để tôn vinh cụ Phan Thanh Giản, nên nêu lên sự thực nhỡn tiền.
NHƯNG, kỳ thực đã giải oan cho Phan Thanh Giản về việc gọi là "đầu hàng", "dâng thành"? Không có giải oan gì hết. Bài báo không đề cập (cũng có thể là ... chưa đề cập?).
/2/ Hòa ước Nhâm Tuất 1862, văn bản ký giữa cụ Phan Thanh Giản với phó Đô đốc Louis Adolphe Bonard, theo đó nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và bồi thường chiến phí cho Pháp.
2a) Có người một số người bình phẩm công kích là ... Phan Thanh Giản vượt quyền triều đình (!). Ồ, nên nhớ: văn bản ký kết về đất đai, lãnh thổ quốc gia CHỈ CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH, khi nguyên thủ quốc gia chấp thuận mà thôi!
Những ai nghĩ rằng trưởng đoàn đàm phán có thể ký nhượng đất đai lãnh thổ mà không cần chấp thuận từ chính quyền trung ương (thời bấy giờ là nhà vua), ắt những người đó rơi vào căn bịnh hoang tưởng quá sức rồi đa!
Vua có thể "xử lý kỷ luật" trưởng đoàn đàm phán, và NẾU vua không đồng ý thì văn bản đó chỉ có nước đem vô bảo tàng ngó chơi; đàng này vua chấp thuận thành thử Hòa ước 1862 mới có hiệu lực áp dụng.
2b) Trong thực tế, trước khi ký Hòa ước 1862, Pháp ĐÃ đánh chiếm, sở hữu hoàn toàn bốn tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, và Vĩnh Long (chớ không phải là cắt đất mình đang sở hữu chắc chắn trong tay, rồi "đâm hơi" đem dâng cho Pháp).
Trút mọi trách nhiệm lên vai của cụ Phan Thanh Giản, đòi cụ phải giành lại trên bàn đàm phán những gì mà nhà nước bấy giờ không giữ nổi bằng quân lực, có khác nào "gắp lửa" nóng quá sức mà bỏ vào tay cụ Phan.
Chắc chắn Pháp không dễ dàng chịu nhả hết 4 tỉnh mà họ cất công dùng võ lực chiếm được. Rốt cuộc, Pháp cũng chịu trả lại Vĩnh Long, vậy nên cũng là một "thành quả" thương thuyết của Phan Thanh Giản.
/3/ Vua Tự Đức khiển trách Phan Thanh Giản. Nhưng, vì sao chỉ 2 năm sau đó, vua lại giao trọng trách cho Phan Thanh Giản đi thương thuyết với Pháp? Nhà vua vẫn đặt tín nhiệm nơi Phan Thanh Giản.
Bời vì cụ Phan Thanh Giản là người có đức hạnh khiêm nhường, tự nhận lỗi về mình hết thảy, điều này đã giúp nhà vua vớt vát được thể diện sau Hòa ước 1862.
Thấy gì, trong Dự thảo Hòa ước Aubret 1864 - được ký giữa Phan Thanh Giản và Aubret? Pháp đồng ý giao trả lại cho Đại Nam 3 tỉnh miền Đông đã chiếm hữu (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường). Bù lại, nhà Nguyễn cho Pháp thực hiện sự bảo hộ 6 tỉnh Nam Kỳ (miền Đông, miền Tây).
Nói cách khác, Pháp từ bỏ ý định chiếm hữu làm thuộc địa, mà thực hiên hình thức "tô giới" (mở rộng).
Thương thuyết lần này của cụ Phan Thanh Giản đã giành lại được 3 tỉnh miền Đông bị chiếm! Nhưng ... mấy ai được nghe nhắc đến Dự thảo Hòa ước Aubret? Cảm phục cụ Phan Thanh Giản là cái chắc, và những giọng lưỡi cú diều khó mà thóa mạ cụ Phan được nữa.
(Than ôi... sau đó, bản dự thảo Aubret bị Pháp hủy bỏ)
/4/ Bấy lâu nay, trong rất nhiều thập niên, quí bạn đều nghe nói rằng: "năm 1867 Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, và Phan Thanh Giản đầu hàng, dâng 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) cho Pháp. "
4a) Ắt quí bạn đều biết, để phán xét công minh, cần "trọng chứng" thay vì "trọng cung" (lời khai này kia)! Rất lạ, quí bạn chú ý, có văn bản nào chứng tỏ Phan Thanh Giản ký kết cắt 3 tỉnh miền Tây cho Pháp? HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ.
Mãi đến năm 1874, tức 7 NĂM SAU KHI CỤ PHAN ĐÃ QUA ĐỜI, mới có Hòa ước Giáp Tuất, theo đó triều đình Đại Nam đồng ý nhượng luôn 3 tỉnh miền Tây.
4b) Lúc nhượng 3 tỉnh miền Đông qua Hòa ước Nhâm Tuất 1862, quả là cụ Phan Thanh Giản có đặt bút ký (diễn giải ở /2/), thì ... bị chì chiết tới lui!
Đến khi cụ Phan giành lại được 3 tỉnh miền Đông bằng thương thuyết, qua Dự thảo Hòa ước Aubret 1864 (diễn giải ở /3/) thì ... im ỉm, ít nhắc đến.
Nhượng 3 tỉnh miền Tây, bằng Hòa ước Giáp Tuất 1874, cụ Phan KHÔNG đặt bút ký vì một lẽ đơn giản là cụ đã giã biệt cõi đời trước đó từ lâu, thì... "vong hồn" cụ cứ bị lôi về mà qui trách nhiệm!
/5/ Điều gọi là "Phan Thanh Giản đầu hàng, dâng thành" - nguồn này lấy từ đâu?
5a) Sự biến ghi lại trong "Đại Nam Thực lục" (chánh sử triều Nguyễn) cho biết: sau cuộc thương thuyết tạm thời (chưa có văn bản chính thức), người Pháp đã hộ tống Phan Thanh Giản từ soái thuyền quay lại, rồi nhân cơ hội quân Pháp tràn vào thành (Vĩnh Long)!".
Quân Pháp khống chế cụ Phan Thanh Giản hoàn toàn.
5b) Viên thống soái Pierre-Paul de la Grandière là người đã tung tin "quan Kinh lược (Phan Thanh Giản) tự ý đầu hàng và nộp thành".
Đây là thông tin có tính chất tuyên truyền, "tâm lý chiến".
- Gây nhiễu dư luận: Nếu dân chúng Nam Kỳ biết thực chất của vụ Pháp "gài bẫy thương thuyết", lật lọng chánh trị, vô hiệu hóa quan Kinh lược => ắt họ sẽ phản ứng mạnh mẽ.
Đàng này nghe tin cụ Phan chịu "tự ý đầu hàng, dâng thành", dân chúng hoang mang, phân tâm.
- Bộ trưởng Bộ Hải quân & Thuộc địa là Rigault de Genouilly, bấy giờ chưa cho phép viên thống soái Pierre-Paul de la Grandière gây rắc rối ở ba tỉnh miền Tây. Để đối phó, De la Grandière ngụy tạo lý do "quan Kinh lược tự ý dâng đất, dâng thành", chớ không phải do y gây rắc rối, xâm chiếm.
5c) Cách tuyên truyền chánh trị, nói nào ngay là thô thiển, nhưng không rõ vì sao có những tác giả người Việt lại tin tưởng. Họ tin vào "văn liệu" mang tâm lý và cách diễn giải của thực dân hơn tin vào sử liệu chính thức của nước nhà (bấy giờ là "Đại Nam thực lục", "Châu bản triều Nguyễn").
Sao có lối "dị ứng" với triều Nguyễn kỳ cục quá sức? - hễ "văn liệu" của thực dân Pháp đem lại hình ảnh tiêu cực, bêu xấu triều Nguyễn thì tán đồng, trích dẫn như chơn lý không bằng! (còn nếu "văn liệu" Pháp có ý khen gì đó với triều Nguyễn thì ... ít nhắc đến).
Thử nghĩ: Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, một số đảo ở Trường Sa viện dẫn thuộc về "chủ quyền lịch sử TQ". Rồi, không lẽ tin vào sử liệu ngoại bang hơn là - trước hết - tin vào sử liệu nước nhà?
TẠM THAY LỜI KẾT
Ở Ba Tri (Bến Tre), ở Vĩnh Long, ở Thoại Sơn (An Giang)... rất nhiều nơi ở miền Nam đều có đền thờ cụ Phan Thanh Giản.
"Thương, dân lập đền thờ" (**).
Trọng mến, nể phục phẩm chất cao cả, quân tử của cụ Phan Thanh Giản, là nhận hết lỗi về mình dù sự suy yếu thuộc về thời thế...
(khác với những kẻ tiểu nhơn, "thành" thì vơ vào người, "bại" thì đổ lỗi cho người khác) ./.
---------------------------------------------------------
(*) Triều đình vua Tự Đức "cầu hòa", "chủ hòa"? Nói vậy là phiến diện, nói cho đúng là áp dụng chính sách "lưỡng diện" (nêu ở đầu bài viết, qua trường hợp TRƯƠNG ĐỊNH).
Chính sách lưỡng diện - "cầu hòa" thất bại, "hậu thuẫn chống Pháp" cũng không được như ý muốn. Vì sao?
Mời đọc trong bài viết kỳ tới.
(**) Câu thơ đầy đủ:
"Thương, dân lập đền thờ
Ghét, dân đái ngập mồ thấu xương"
Comments
Post a Comment