Tác giả: ĐINH BÁ TRUYỀN
1. ĐỒN CHÂN SẢNG VÀ PHÁO ĐÀI ĐỊNH HẢI
Làng nằm về phía bắc làng Kim Liên và làng Nam Ô, kéo dài từ chân núi Sảng lên lưng chừng đèo Hải Vân. Nơi đây, từ ngày 18.11.1859 đến ngày 29.2.1860, đã diễn ra một trận đánh khốc liệt giữa liên quân Pháp - Tây Ban Nha (liên quân) và quân đội triều đình Đại Nam (quân Nam triều).
Từ thời chúa Nguyễn, tại làng Chân Sảng đã có một quán dịch (nhà trạm), gọi là quán Sảng, thuộc hệ thống dịch trạm trên đường thiên lý Bắc - Nam. Lê Quý Đôn ghi: "Đường sá từ trấn Thuận Hóa vào Quảng Nam, nhật trình đi bộ từ quán Lồn Voi đến quán Trà nửa ngày. Quán Trà đi tối đến Tuần Ải. Tuần Ải đến quán Sảng nửa ngày, quán Sảng đi tối đến quán Thanh Khê. Quán Thanh Khê đi đến quán Cẩm Sa nửa ngày…".[1]
Đến thời Minh Mạng, vua đổi lại tên nhà trạm tại làng Chân Sảng là Nam Chân (Chơn). Sách Đại Nam thực lục chép: "Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi định tên các trạm từ Quảng Đức trở vào đến Hà Tiên trở ra đến Sơn Nam. (...) Quảng Nam có bảy trạm: Nam Chân, Nam Hoa, Nam Giản, Nam Phúc, Nam Ngọc, Nam Kỳ, Nam Vân. (...) Nam Hoa sau đổi là Nam Ổ".[2]
Đường từ trạm Nam Chân đến trạm Nam Ô phải qua băng núi Sảng, núi Sen hiểm trở, thế nên mới có câu ca dao còn lưu lại đến bây giờ:
Phỉnh ta chín đợi mười chờ
Lênh đênh quán Sảng, dật dờ quán Sen
Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), vua sai Phó Đô thống chế Tả dinh quân Thần sách Nguyễn Văn Trí và Tham tri Binh bộ Nguyễn Khoa Minh xây dựng tại làng Chân Sảng hai căn cứ quân sự quan trọng thuộc hệ thống phòng thủ ở bờ tây vịnh Đà Nẵng, đó là đồn Chân Sảng và pháo đài Định Hải. Đồn Chân Sảng án ngữ con đường độc đạo lên Hải Vân quan. Đồn nằm dưới chân đèo, nhưng lại nhô ra phía biển Đông, tạo thành vòng cung ôm tấn Cu Đê. Từ đồn nhìn về hướng đông nam không xa là núi Thông Sơn, còn gọi Hòn Hành, năm 1823, đổi thành núi Định Hải vì vua cho dựng pháo đài trên núi ấy. Sách Đại Nam thực lục chép: "Lại đặt một pháo đài ở núi nhỏ phía đông trạm Nam Chân gọi là pháo đài Định Hải, núi ấy cũng gọi là núi Định Hải".3 Pháo đài này có chu vi 23 trượng 3 thước, cao 5 thước 8 tấc, có một cửa, trên lập kỳ đài (cột cờ), bố trí bảy khẩu đại bác. Trong pháo đài có dựng nhà cho quân trú phòng và kho chứa thuốc đạn.[4]
Trên tấm bản đồ Attaque des forts de la route de Hué (18 novembre 1859) [Cuộc tấn công các đồn trên đường ra Huế (18.11.1859)] của Đại tá Henri de Ponchalon, pháo đài Định Hải được người Pháp gọi là "fort du Mamelon" (pháo đài Mỏm núi), đồn Chân Sảng là "fort en bambous" (đồn bằng tre) và trạm Nam Chân là "pagode fortifiée" (chùa có công sự). Ponchalon mô tả trạm Nam Chân: "ngôi chùa có công sự, còn gọi là trạm bưu chính, nằm cạnh bờ biển trước đồn bằng tre đầu tiên".[5]
Địa danh Chân Sảng được ghi trên bản đồ của Ponchalon là village de Kien-Chan (làng Kiên Chân) và trận Chân Sảng được các sử liệu Tây phương ghi Capture des forts de Kien Chan hay Capture of the Kien Chan forts, nghĩa là "Chiếm đóng các đồn ở Kien Chan". Có lẽ người Pháp đã gộp chung tên hai làng Kim Liên, Chân Sảng thành một và gọi là Liên-Chân, nhưng lại chép thành Kien-Chan.
2. LIÊN QUÂN TẤN CÔNG ĐỒN CHÂN SẢNG VÀ PHÁO ĐÀI ĐỊNH HẢI
Cảm thấy ngày càng mệt mỏi vì gánh nặng cuộc chiến, đầu tháng 6 năm 1859, phó Đô đốc Charles Rigault de Genouilly, Tư lệnh liên quân tại mặt trận Đà Nẵng đệ đơn xin từ chức. Paris thuận cho.[6]
Ngày 20.8.1859, Paris quyết định cử chuẩn Đô đốc Théogène François Page sang thay Genouilly. Năm ngày sau (25.
, Đô đốc Ferdinand Alphonse Hamelin, Thượng thư Bộ Hải quân Pháp, ra bản mật lệnh cho Page phải thương thuyết với Nam triều, trên căn bản những điều Genouilly đưa ra. Mật lệnh này lưu ý Page không được tấn công ra Huế và cũng không cần chiếm giữ Đà Nẵng nữa vì những lợi thế quân sự không đủ trả giá bởi khí hậu khắc nghiệt. Page có thể rút quân về Sài Gòn.[7] Hai ngày sau nữa (27.
, Pháp hoàng Napoléon III chính thức bổ nhiệm Page làm Đặc sứ toàn quyền để thương thuyết một hiệp ước "an ninh, thân hữu và thương mại" với Nam triều.[8]


Rời Marseille ngày 28.8.1859, Page tới Hương cảng ngày 11.10, rồi đáp tàu Phlégéton đến Đà Nẵng vào ngày 19.10.[9] Ngày 01.11, tức bốn ngày sau khi liên quân Anh - Pháp đánh chiếm Quảng Châu, mở màn giai đoạn 2 của cuộc chiến tranh Nha phiến, Page nhận bàn giao từ Genouilly. Dù được lệnh bỏ Đà Nẵng để rút quân vào Sài Gòn nhưng Page vẫn muốn đánh ra Huế. Theo Page, cần phải "làm một cái gì đó" để có lợi thế trước khi thương thuyết.[10]
Ngày 3.11.1859, các đại đội thuộc Trung đoàn 2 Thủy quân Lục chiến Pháp và các đại đội Tây Ban Nha được lệnh rút khỏi những vị trí đồn trú tiền tiêu, di chuyển về căn cứ Tiên Sa. Page muốn tập trung một lực lượng tấn công cho kế hoạch đánh chiếm đồn Chân Sảng và pháo đài Định Hải.[11] Để đánh lạc hướng quan quân Nam triều, sáng ngày 16.11.1859, Page đi thị sát Cù Lao Chàm và Hội An. Tối hôm đó, Page trở lại Đà Nẵng. Lúc 6 giờ chiều ngày hôm sau (17.11), quân Pháp và hai đại đội quân Tây Ban Nha được đưa lên vận hạm Marne; các toán quân Tây Ban Nha còn lại lên chiến hạm Jorgo-Juan (Tây Ban Nha). Kế hoạch của Page được bảo mật khá tốt, quan quân Nam triều tại quân thứ Quảng Nam hoàn toàn bị bất ngờ khi trận đánh nổ ra.[12]
Theo kế hoạch, lực lượng tấn công chia thành hai cánh. Cánh thứ nhất, do Trung tá Hải quân Desaux và Thiếu tá Martin des Pallières chỉ huy[13], gồm sáu đại đội Thủy quân Lục chiến Pháp, một đại đội Pháo binh và một phân đội Công binh, có nhiệm vụ đánh chiếm đồn Chân Sảng. Cánh thứ hai gồm các đại đội Tây Ban Nha do Đại tá Lanzarote chỉ huy, mục tiêu là pháo đài Định Hải. Lực lượng dự bị, do Trung tá Reybaud chỉ huy, gồm năm đại đội Thủy quân Lục chiến Pháp và hai đại đội Tây Ban Nha; chỉ đổ bộ khi dứt đợt pháo kích, mục tiêu là trạm Nam Chân.[14]
Đúng 6 giờ sáng ngày 18.11.1859, từ cảng Tiên Sa, hạm đội Pháp - Tây Ban Nha khởi hành theo hướng tây bắc vịnh Đà Nẵng, thứ tự như sau: hai pháo hạm Avalanche và Alarme; soái hạm Némésis, được kéo bởi tàu hơi nước Prégent; chiến hạm Jorgo-Juan, chiến hạm Phlégéton, được kéo bởi tàu hơi nước Norzagaraï; cuối cùng là vận hạm Marne. Lực lượng tấn công được xếp trên các sà lúp; lực lượng dự bị lên boong chiếc Marne. Cuộc chuyển quân bị chậm lại vì cột buồm chính của chiếc Prégent gãy ngang.
Khoảng 9 giờ sáng, hạm đội được néo im tại vịnh Nam Chân, các chiến hạm Pháp Némésis, Phlégéton đậu sát trước đồn Chân Sảng và chiến hạm Tây Ban Nha Jorgo-Juan đậu trước pháo đài Định Hải. Quân Nam triều bắt đầu khai hỏa, đạn đại bác từ pháo đài Định Hải bay vút qua phía trên các chiến hạm. Một viên đạn pháo được bắn từ chiến hạm Jorgo-Juan nổ tung trên pháo đài Định Hải và làm nó im bặt.
Đồn Chân Sảng cũng bị nghiền nát bởi hỏa lực tầm gần từ các chiến hạm. Quân Nam triều chỉ kịp bắn trả bốn phát đại bác, nhưng cực kỳ chính xác. Viên đạn thứ 3 cắt đứt đôi Thiếu tá Công binh Dupré Déroulède, người đang đứng sát cạnh Page trên khoang thượng đuôi tàu Némésis. Page dính đầy máu tươi. Cũng viên đạn đó giết chết một Hạ sĩ quan lái tàu, cắt đứt các dây chảo của cột buồm lái, làm bị thương hai Chuẩn úy Hải quân và vài người lính thủy. Khẩu đội súng bắn đá trên đồn ngưng bắn. Đạn pháo từ các chiến hạm bắn cháy một đồn bằng tre, làm kho thuốc súng nổ tung, nhưng quân Nam triều kịp tản ra xa. Page ra lệnh cho lực lượng tấn công đổ bộ vào đất liền. Sau đúng một tiếng giao tranh, do bị áp đảo về mặt hỏa lực nên chỉ huy đồn Chân Sảng là Phó vệ úy Lê Hòa và chỉ huy pháo đài Định Hải là Thành thủ úy Tôn Thất Mưu đành phải rút quân vào rừng.[15]
Liên quân chiếm được các mục tiêu, nhưng không tìm thấy người nào ở đồn Chân Sảng, ngoại trừ tại pháo đài Định Hải, quân Tây Ban Nha bắt được ba tù binh và thu năm khẩu đại bác nòng dài cỡ 24 pound đã bị hoen rỉ. Quân Pháp cũng thu được ba khẩu đại bác nòng ngắn cỡ 12 pound và vài khẩu súng bắn đá tại đồn Chân Sảng. Ngôi làng vẫn còn nguyên vẹn, quân Pháp đốt bỏ các công trình phòng thủ, lấy đồn Chân Sảng làm căn cứ, đặt tên là đồn Isabelle. Lúc giữa trưa, lực lượng dự bị trở lại căn cứ ở Đà Nẵng, một toán quân Pháp khác chiếm đóng trạm Nam Chân và quân Tây Ban Nha đóng tại pháo đài Điện Hải. Hai pháo hạm Avalanche và Alarme vẫn bỏ neo trước làng Chân Sảng, các chiến hạm còn lại quay về cảng Tiên Sa.
Ngày 19.11.1859, Page tổ chức lễ tang cho Thiếu tá Dupré Déroulède và viên hạ sĩ quan lái tàu. Déroulède, một sĩ quan công binh có tài tham mưu, tác giả kế hoạch tấn công phòng tuyến Nại Hiên - Liên Trì ngày 15.9.1859, được truy thăng Trung tá. Cái chết của Déroulède làm rúng động cả Paris. Pháp hoàng Napoleon III giận dữ, lệnh cho Thượng thư Bộ Hải quân Hamelin gửi công văn khiển trách Page.[16]
Chiếm được đồn Chân Sảng và pháo đài Định Hải, Page không có ý định rút quân nên chỉ thị cho Thiếu tá Martin des Pallières phải củng cố các vị trí phòng thủ đồng thời phái các toán thám báo tiến ra phía bắc.
Ngày 23.11.1859, trong một lần trinh sát, des Pallières đánh chiếm được một đồn nhỏ án ngữ con đường ra Huế, đồn này chỉ cách Hải Vân quan vài trăm mét.
Ngày 27.11.1859, Page trao quyền Chỉ huy trưởng mặt trận Đà Nẵng lại cho Đại tá Thoyon rồi kéo các chiến hạm (Phlégéton, Norzagaraï, Jorgo-Juan và Lucie) vào Gia Định. Cùng đi với Page có Đại tá Lanzarotte, 120 lính Tagal (lính người Philippines đi theo Tây Ban Nha tham chiến), một đại đội Pháo binh và 45 lính Công binh.[17]
3. QUÂN NAM TRIỀU PHẢN CÔNG
Ngay sau khi liên quân đánh chiếm bán đảo Sơn Trà và hai thành An Hải, Điện Hải (9.1858), vua Tự Đức lo ngại liên quân sẽ chuyển hướng tấn công vào hệ thống phòng thủ ở bờ tây vịnh Đà Nẵng, bèn dụ Thống chế Lê Đình Lý rằng: "Cửa bể ấy từ Hải Vân đến Câu Đê một dải đều là đường quan báo, phải phòng thủ nghiêm thêm, để tiện thông hành. Ngươi quản đốc lính đạo trước, đạo sau đến ngay đấy, tùy nghi đóng đồn, liệu đất đặt chỗ canh phòng, cùng bọn Đào Trí chống đỡ với nhau, chớ để cho quân của Tây dương lên bờ, để xứng đáng chức trách đã ủy cho".[18]
Ngày 18.11.1859, liên quân chiếm đóng đồn Chân Sảng và pháo đài Định Hải, nỗi lo ấy đã thành hiện thực. Con đường liên lạc giữa kinh đô Huế và quân thứ Quảng Nam bị cắt đứt.
Vua Tự Đức vội vã sai Thống chế Nguyễn Trọng Thao sung chức Đề đốc quân vụ, đem Phó vệ úy Nguyễn Hợp và Quản cơ Phạm Tân mang 300 lính vệ Tuyển phong đi gấp đến Hải Vân quan, tìm cách đánh thông đường Chân Sảng. Vua còn điều lính vệ Cẩm y, vệ Kim ngô, lính giáo dưỡng, võ cử, tổng cộng 59 người đi theo để dự bị sai phái. Vua dụ rằng: "Pháo đài Định Hải là chỗ xung yếu, đồn Chân Sảng lại là đường quân báo tất phải đi qua, nên đánh dẹp cho chóng yên, để đi lại được tiện. Hoặc đem súng lớn mà bắn. Hoặc báo cho quân đóng ở đồn cửa biển Câu Đê cùng đánh, cốt làm sao cho dẹp yên đường ấy".[19]
Tháng 12.1859, vua Tự Đức sai các quan chỉ huy ở quân thứ Quảng Nam thăm dò địa thế hai đồn Câu Đê, Hóa Ổ, và đặt thêm đồn canh phòng. Lại sai Đốc binh Nguyễn Hiên và Tán lý Trần Đình Túc đóng ở 2 đồn Câu Đê, Hóa Ổ đánh phối hợp ra phía bắc để thông đường từ Nam Ô đến Hải Vân quan. Vua phái Thị lang Binh bộ Nguyễn Hữu Thành đi nhanh đến Hải Vân quan cùng với Thống chế Nguyễn Trọng Thao bàn định kế hoạch tái chiếm đồn Chân Sảng.[20]
Phó vệ úy Lê Hòa, Thành thủ úy Tôn Thất Mưu cùng các hiệp quản, suất đội đều bị cách chức vì tội để mất đồn Chân Sảng và pháo đài Điện Hải nhưng cho lưu lại trong quân thứ để lập công chuộc tội.
Đường Chân Sảng ách tắt, những người lính trạm phải hết sức vất vả băng rừng qua Ải Tân, nằm phía thượng nguồn Cu Đê, để kịp nối thông tin khẩn cấp từ quân thứ Quảng Nam ra Huế và ngược lại. Chính vì thế nên năm ấy vua Tự Đức đã ban thưởng cho các trạm rất hậu, sách Đại Nam thực lục chép: "Vua nghĩ đường Chân Sảng tỉnh Quảng Nam bị nghẽn, hai trạm Thừa Phú và Nam Ổ phải chạy giấy xa, khó nhọc nên thưởng mỗi trạm 30 quan tiền".[21]
Ngày 7.1.1860, quân Nam triều phản công đồng loạt từ hai hướng, Hải Vân quan vào và Nam Ô ra, bằng cách xây đắp các chiến lũy áp sát đồn Isabelle (Chân Sảng). Để tăng cường lực lượng trú phòng, Thiếu tá Martin des Pallières cho thành lập một đại đội lính bản xứ, đây cũng là đơn vị lính bản xứ đầu tiên phục vụ trong quân đội Pháp ở Đông Dương. Quân Nam triều bố trí nhiều toán tinh binh phục kích tại các bìa rừng rồi bắn vào quân trú phòng. Des Pallières phải tung một đại đội Thủy quân Lục chiến đẩy lùi quân Nam triều về hướng Hải Vân quan. Cuộc chiến lâm vào thế giằng co.[22]
4. LIÊN QUÂN TRIỆT THOÁI
Ngày 15.12.1959, Page bắt đầu cuộc thương thuyết với Nam triều bằng cách gửi thư cho Tổng thống quân vụ Đại thần quân thứ Gia Định Tôn Thất Hiệp một thông điệp khá mềm dẻo rằng: Pháp không nuôi tham vọng đảo lộn cương thường của Đại Nam, và cũng không muốn áp đặt bằng vũ lực lên một triều đại hay lên một tôn giáo nào. Tuy nhiên, đại diện Nam triều khăng khăng đòi Pháp phải rút quân khỏi Sài Gòn và Đà Nẵng.[23]
Mười ngày sau, Page gửi cho Tôn Thất Hiệp một bản dự thảo hiệp ước gồm 11 khoản, trong đó, các khoản chính vẫn là thông thương giao hảo (khoản 1, 8 và 11) và tự do truyền giáo (khoản 6, 7, 10). Dự thảo hiệp ước được đệ trình về Huế, vua Tự Đức giao cho đình nghị. Các quan đại thần một phen cãi cọ lẫn nhau, vua bối rối không quyết được. Lão thần Trương Đăng Quế khuyên nên hòa, nhưng vua vẫn do dự. Việc thương thuyết với Pháp ở Gia Định được ủy thác cho Tôn Thất Hiệp mà không có một chỉ thị nào, khiến Hiệp rất lúng túng.[24]
Ngày 3.1.1860, một vị quan Nam triều lên soái hạm Primauguet, mang theo thư của Tôn Thất Hiệp thông báo cho Page biết là vua Tự Đức đã cử Hiệp làm Toàn quyền đại thần thương thuyết với Page. Hôm sau, Trung tá Hải quân Aubaret tới đồn Kỳ Hòa (sau gọi là Chí Hòa) trao thư trả lời, Page đề nghị hai bên gặp nhau ngày 9.1 tại một địa điểm nằm giữa hai chiến lũy. Hai bên sẽ hưu chiến từ sáng ngày 8.1 tới chiều tối ngày 15.1. Ngày 9.1.1860, Page và Hiệp gặp nhau, nhưng Hiệp không dám ký kết điều gì. Cuộc hòa đàm bế tắc.[25]
Cuối tháng 1.1860, Page chấm dứt hòa đàm, tuyên bố sẽ dùng võ lực, nhưng không đưa một hành động quân sự nào. Liên quân Anh - Pháp chuẩn bị tấn công Đại Thanh, Page được lệnh mang quân tham chiến. Ngày 12.2.1860, Page rời Sài Gòn đi Hương cảng trên chiến hạm Forbin, chỉ để lại 800 quân cùng hai phòng dương hạm (corvette) và bốn tiểu hạm (aviso). Đại tá Hải quân J. D'Ariès được giao nhiệm vụ phải bảo vệ cứ điểm chiến lược này bằng mọi giá.[26]
Ngày 24.2.1890, một chiếc thương thuyền từ Hương Cảng đến Đà Nẵng, mang theo bản hướng dẫn chi tiết của Page cho Thoyon về kế hoạch rút quân khỏi Chân Sảng, Điện Hải, An Hải và Sơn Trà. Ngày 26 và 27, liên quân bắt đầu sơ tán khỏi làng Chân Sảng. Khoảng 400 dân làng và một đại đội lính bản xứ được đưa xuống tàu để đi Sài Gòn. Các trại lán ở bảo Trấn Dương hầu như bị phá bỏ hết.[27]
Sáng ngày 29.2.1860, lúc 4 giờ, quân Nam triều giễu cợt sự rút lui của liên quân bằng cách dùng súng bắn đá bắn một vài quả đạn vào những tiền đồn của đối phương. Lúc 7 giờ, đồn Isabelle (Chân Sảng), pháo đài "Mỏm núi" (Định Hải) đã bị cho nổ sập. Làng Chân Sảng bị bỏ ngỏ, liên quân rút về những tiền đồn ở Đà Nẵng.[28]
Trận Chân Sảng là trận đánh cuối cùng giữa liên quân và quân Nam triều trước khi liên quân hoàn toàn triệt thoái khỏi Đà Nẵng vào ngày 22.3.1860.
Sau trận chiến, vua Tự Đức hạ chỉ quy tập hài cốt các chiến sĩ, nghĩa sĩ đã hi sinh về an táng tại Nghĩa trủng Nam Ô và cho lập Dinh Âm hồn thờ cúng.
Về phần 400 dân làng Chân Sảng bị quân Pháp đưa xuống tàu vào Sài Gòn, họ sau này trở thành các bậc tiền hiền, hậu hiền một làng ở Quận 1. Và họ đã cùng nhau lập đình Nam Chơn (số 29 đường Trần Quang Khải) để tưởng nhớ cố hương.
Đ.B.T.
CHÚ THÍCH
[1] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, (Khoa học, 1964), 120.
[2], [3], [4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, (Giáo dục, 2004), 23-45, 263, 264.
[5] Nguyên văn: "pagode fortifiée, désignée sous le nom de poste aux lettres, située sur le rivage avant le premier fort en bambous". Henri de Ponchalon, Indo-Chine: souvenirs de voyage et de campagne 1858-1860, (Tours, 1896), 215-216.
[6], [24] Võ Văn Dật, Lịch sử Đà Nẵng, (Nam Việt, 2007), 241, 244.
[7] Instruction du Ministre de la Marine et des Colonies, 25.8.1859; CARAN (Paris), Fonds Marine, BB4-1045.
[8] Service Historique de la Marine (SHM), Vincennes, GG2 44:3.
[9] Aubert, Histoire militaire de l'Indochine française des débuts à nos jours (juillet 1930), Vol. 1, (Extrême-Orient, 1930), 27.
[10] Caubet, L'Amiral Page avec le panache!, (Cols Bleus nº 1824 du 10 november 1984), 13.
[11], [12], [14], [15], [16], [17], [22], [27], [28] Henri de Ponchalon, sđd, 213, 214, 215, 216, 218, 219-220, 225, 230, 231.
[13] Benoist d'Azy, L'Expédition Française En Cochinchine, Le Correspondant, Tập 52, (Charles Douniol, 1861), 382.
[18], [19], [20], [21] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, (Giáo dục, 2004), 567, 638, 640, 641.
[23] Nguyên văn thư Page gửi Tôn Thất Hiệp: "Je ne vient point ici pour renverser l'ordre de choses établi en Cochinchine ou imposer à ses habitants telle ou telle dynastie, telle ou telle religion, mais afin d'obtenir que les relations qui doivent exister entre la France et le pays d'Annam, reposent désormais sur les grands principes d'humanité qui règnent aujourd'hui toutes les nations civilisées du globe. Je prie Votre Excellence de porter à la connaissance de Sa Majesté le Roi Tu Duc le caractère de ma Mission, afin que si Sa Majesté, prenant en considération les malheurs que la guerre a déjà attiré sur les peuples et ceux plus grands encore qui leur menacent, se décidait enfin à y mettre un terme, Elle veuille bien envoyé un Plénipotentiaire revêtu de sa confiance, avec lequel je puisse signer un traité qui, tout en respectant le droit souverain du Roi du Pays d'Annam, garantisse les droits sacrés de l'humanité et ceux de la civilisation. Je prie Votre Excellence d'agréer l'assurance de ma plus haute considération". Thư ngày 15.12.1859, Service Historique de la Marine (SHM), Vincennes, GG2 44:3, d. 2; và CARAN (Paris), BB4-777.
[25] Service Historique de la Marine (SHM), Vincennes, GG2 44:3, d. 2.
[26] Service Historique de la Marine (SHM), Vincennes, GG2 99:2.
-----
VĨ THANH
1. Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài viết "Di tích kháng Pháp hơn 200 năm: Địa phương xin giữ, sở muốn dời đi" của tác giả Trường Trung (ngày 13/9/2023), trên mạng xã hội có tranh cãi về việc nên giữ hay xóa di tích đồn Chơn Sảng / trạm Nam Chơn. Bà xã Tường Loan, là nhân viên của Bảo tàng Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng (trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng), hỏi tôi: "Anh có biết di tích đồn Chơn Sảng không?".
Tôi đáp: "Có chơ răng không. Anh còn biên tập và cho đăng bài viết của Đinh Bá Truyền trên tạp chí PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐÀ NẴNG (Số 101, tháng 5 năm 2018) viết về trận đánh ở đồn Chơn Sảng và sự thất bại của quân Pháp trước quan quân nhà Nguyễn, khiến quân Pháp phải triệt thoái khỏi Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1860, đưa quân vào đánh Nam Kỳ".
Tường Loan hỏi tiếp: "Ý của anh về vụ này ra sao? Nên bảo tồn di tích này hay là nên bỏ di tích, bàn giao đất cho dự án chi đó và làm mô hình 3D để chiếu cho bà con coi như ý của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng?".
Tôi đáp: "Trước khi Đà Nẵng trình hồ sơ công nhận di tích thành Điện Hải là 'Di tích quốc gia đặc biệt', anh có gặp một số thành viên trong Hội đồng Di sản Quốc gia, vào Đà Nẵng để thẩm định hồ sơ này, là: Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Văn Kim, Đinh Quang Hải, Trần Đức Cường… và nói rằng: Các anh nên kiến nghị Đà Nẵng cần đầu tư bảo tồn không chỉ di tích thành Điện Hải, mà nên tiến hành khai quật khảo cổ học các di tích: Phòng tuyến Cẩm Lệ (gắn liền với cuộc chỉ huy kháng Pháp của danh tướng Nguyễn Tri Phương từ cuối năm 1858 đến năm 1862), đồn Chơn Sảng / trạm Nam Chơn, và thành An Hải, rồi lên phương án trùng tu, bảo tồn và đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận cả cụm di tích này là 'Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt', chứ không nên công nhận một mình di tích thành Điện Hải. Tiếc là không ai nghe ý kiến của anh". Chơ nếu họ nghe theo thì di tích đồn Chơn Sảng / trạm Nam Chơn trở thành 'Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt' rồi, tránh khỏi tình trạng đòi đập bỏ và làm 3D để "bảo tồn" như hiện nay.
2. Nói thêm: Sau khi tôi biên tập và cho đăng bài viết trên đây của Đinh Bá Truyền trên tạp chí PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐÀ NẴNG (mà tôi là Tổng biên tập) thì anh Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội lúc đó, gặp tôi nói: "Anh [Huỳnh Đức] Thơ (Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lúc đó) hỏi anh vì sao tạp chí PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐÀ NẴNG lại cho đăng bài của Đinh Bá Truyền, một Việt kiều phản động ở Mỹ? Anh Thơ nói là không được đăng bài của tay Truyền này trên tạp chí của Viện".
Tôi đáp: "Em thấy bài này hay mà. Có chống phá gì đâu. Với lại em có thấy có ai ra văn bản cấm đăng bài của Đinh Bá Truyền đâu. Nếu ông Thơ muốn tạp chí của PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐÀ NẴNG không đăng bài của Đinh Bá Truyền thì ra văn bản, ký tên đóng dấu đàng hoàng, thì em sẽ chấp hành. Chơ em không chấp hành chỉ đạo miệng, lại qua lời nhắn của anh, nó không đúng thể thức nào cả".
Sau này, khi họp kỷ luật tôi (vào đầu năm 2018), một quan chức trong Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng (lâu ngày nên tôi quên tên của y rồi) có nêu chuyện này ra, để buộc thêm tội cho tôi là "đăng bài của bọn phản động, không nghe lời chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng", ngoài cáo buộc tôi "viết bài trên Facebook trái với đường lối, quan điểm của đảng và nhà nước".
Bà con trên Cõi Phây, đọc xong bài viết trên đây của Đinh Bá Truyền, bạn tôi, xem có đoạn nào có "phản cmn động" không? Ka ka ka.
NGƯỜI NƯỚC HUỆ (@ Đà thành, Quảng Nam quốc)
P/S: Bà con nên xem thêm clip giới thiệu về di tích này trong bài báo đăng trên Tuổi Trẻ: https://tuoitre.vn/di-tich-khang-phap-hon-200-nam-dia...
Comments
Post a Comment