Ngày 27 tháng Giêng 1973, tại lâu đài La Celle Saint Cloud, Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ký kết Hiệp Định Ba Lê vốn có hiệu lực từ 8 giờ sáng ngày 28 tháng Giêng 1973, giờ Sài Gòn. Lúc đó, Cụ Trần Văn Hương đang giữ chức vụ Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.
Đúng 9 năm sau, cũng vào ngày đó, Cụ âm thầm qua đời tại Sài Gòn. Vì thế nên hàng năm cứ gần đến Tết Nguyên Đán thì tôi lại nhớ đến Cụ Hương (Cụ mất vào Mồng Ba Tết Nhâm Tuất) vì Cụ là một trong số rất hiếm hoi những vị lãnh đạo đã tận tụy phục vụ Việt Nam Cộng Hòa đủ 20 năm, từ 1955 đến 1975.
Cụ Trần Văn Hương sinh năm 1902 tại Châu Thành, Vĩnh Long. Thân phụ của Cụ là một thầy giáo nghèo nên thân mẫu của Cụ ngày ngày gánh cháo ra chợ bán, một lòng nuôi nấng cậu Hương ăn học chu đáo. Cụ theo học tại Collège Le Myre De Villers tại Mỹ Tho. Sau khi học xong, cậu Hương ra Hà Nội học và tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội. Sau đó, ông về dạy học tại chính trường cũ của mình. Theo như phần giới thiệu trong cuốn Lao Trung Lãnh Vận mà Cụ là tác giả thì Cụ giảng dạy môn Việt Ngữ. Dương Văn Minh cũng tự nhận là một trong những học trò được Cụ dạy dỗ thành danh. Một thời gian sau, Cụ Hương được bổ nhiệm vào chức vụ Đốc Học Tây Ninh.
Khi Việt Nam Cộng Hòa được thành lập vào năm 1955 thì Cụ Hương được bổ nhiệm vào chức vụ Đô Trưởng đầu tiên của Sài Gòn. Ngày nhậm chức, Cụ Hương dắt chiếc xe đạp vào Tòa Đô Chánh xin hướng dẫn thì nhân viên ở đây không tin rằng Cụ đến nhậm chức. Sau mấy lần điện đàm với nhiều nơi, nhân viên ở đây mới tin và mời Cụ vào, hướng dẫn mọi việc.
Sau cuộc đảo chánh vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, Việt Nam Cộng Hòa lâm vào một thời kỳ xáo trộn chính trị. Cuối cùng thì vào ngày 26 tháng Chín 1964, Thượng Hội Đồng Quốc Gia bầu Cụ Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa. Việc này là để tước bớt quyền hành khỏi tay Đại Tướng Nguyễn Khánh. Cụ Phan Khắc Sửu đề cử Cụ Trần Văn Hương vào chức vụ Thủ Tướng Chinh Phủ và cho Cụ bốn tuần lễ thành lập nội các.
Chính Phủ Trần Văn Hương ra mắt quốc dân vào ngày 27 tháng 11 năm 1964. Theo Sắc Lệnh số 006/QT/ST thì Thủ Tướng Trần Văn Hương kiêm luôn chức vụ Tổng Trưởng Quân Lực. Với Cụ Hương giữ chức vụ này, chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Đội của Nguyễn Khánh chỉ còn hữu danh vô thực. Cũng từ đó, chúng ta không còn Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa mà dùng danh xưng mới, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Sau khi Tướng Khánh bị lật đổ, phải lưu vong thì Thủ Tướng Trần Văn Hương mới an tâm đưa thêm bốn tướng lãnh khác vào nội các. Bốn vị này là,
- Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức vụ Phó Thủ Tướng.
- Trung Tướng Trần Văn Minh giữ chức vụ Tổng Trưởng Quân Lực (vì thế nên Bộ Tổng Tham Mưu lúc đó có gắn mấy chữ Bộ Tổng Tư Lệnh trên cổng thay thế mấy chữ Bộ Tổng Tham Mưu).
- Thiếu Tướng Linh Quang Viên giữ chức vụ Tổng Trưởng Tâm Lý Chiến.
- Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức vụ Tổng Trưởng Giáo Dục và Thanh Niên.
Vào năm 1967, Hội Đồng Tướng Lãnh họp liên miên để giải quyết việc cả Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu lẫn Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đều muốn tranh cử vào chức vụ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Các tướng trẻ đang lên như Lê Nguyên Khang, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Bảo Trị vì tình đồng hương và tình đồng môn nên ủng hộ Tướng Kỳ. Tướng Hoàng Xuân Lãm thấy tình trạng phe cánh như thế, gỡ lon trung tướng bỏ xuống bàn và đứng dậy tỏ ý muốn ra khỏi quân đội. Cuối cùng, nhờ Tướng Cao Văn Viên khéo léo dàn xếp, đa số các tướng hiện diện đồng ý hậu thuẫn Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu với điều kiện Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ được giữ chức Phó Tổng Thống đồng thời được đề cử một số nhân vật vào các chức vụ quan trọng trong chính phủ. Chính vì thế mà chúng ta có Luật Sư Nguyễn Văn Lộc giữ chức Thủ Tướng Chính Phủ.
Chỉ một năm sau, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu viện cớ Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc quá yếu kém trong việc tái thiết tiếp theo sau Biến Cố Tết Mậu Thân nên bãi chức ông và bổ nhiệm Cụ Trần Văn Hương thay thế.
Trong thời gian giữ chức vụ Thủ Tướng Chính Phủ lần này, Cụ Trần Văn Hương có làm một việc mà ít ai biết đến. Để các bạn tiện theo dõi, chúng tôi mạn phép đi ngược dòng thời gian.
Vào năm 1965, trong khuôn khổ chương trình Bình Định Và Phát Triển Nông Thôn, Việt Nam Cộng Hòa thành lập một lực lượng mới có tên là Biệt Chính Nhân Dân. Đây là một lực lượng tình báo dân sự, hoạt động phối hợp với các Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn và các Ty Cảnh Sát Quốc Gia.
Cũng vào giữa năm này, chúng ta thành lập lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến.
Như vậy, chúng ta đã có thêm một lực lượng dân sự và một lực lượng bán quân sự. Để thúc đẩy Chiến Dịch Phượng Hoàng mạnh hơn, chúng ta cần có thêm một lực lượng quân sự. Vì thế nên đến cuối năm 1966, các toán thám sát cấp tỉnh được thành lập. Khác với Biệt Chính Nhân Dân và Cảnh Sát Dã Chiến, các toán thám sát tỉnh hoạt động trong lòng địch.
Tại hầu hết các tỉnh, các toán thám sát này có cố vấn Hoa Kỳ và có cả cố vấn Úc Đại Lợi. Vì Chiến Dịch Phượng Hoàng do Hoa Kỳ tài trợ một phần lớn nên nhiều cố vấn Hoa Kỳ muốn chỉ huy luôn các đơn vị thám sát tỉnh theo kiểu WHO PAYS COMMANDS, tức là ai trả tiền thì người đó chỉ huy.
Vì thế nên ngày 31 tháng Ba 1969, Thủ Tướng Trần Văn Hương ký nghị định chính thức thành lập Lực Lượng Thám Sát Tỉnh (người Mỹ gọi là Provincial Reconnaissance Units, viết tắt là PRU). Theo nghị định này, Lực Lượng Thám Sát Tỉnh trực thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia và hoạt động dưới sự điều động của các trung tâm tình báo hỗn hợp cấp tỉnh, quận. Như vậy, đám cố vấn Mỹ không thể điều động các đơn vị thuộc lực lượng này theo ý riêng của họ nữa.
Người Mỹ rất hận Cụ Hương và hận cả Chuẩn Tướng Trần Văn Hai lúc đó đang giữ chức Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Bọn họ vu cáo rằng tại vì Tướng Hai là cháu của Cụ Hương nên được Cụ trao thêm quyền hành.
Ngoài ra, người Mỹ - hay nói đúng hơn là Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ CIA – còn hận cả Cụ Hương lẫn Tướng Hai vì hai sự việc khác.
Thứ nhất, trong biến cố Tết Mậu Thân đợt 2, tình báo của Cảnh Sát Quốc Gia đã khám phá một hệ thống đường hầm và hầm chứa vũ khí bên dưới lòng đất trong khuôn viên Trung Tâm Quảng Đức trên Đường Công Lý. Người cai quản trung tâm này là Thượng Tọa Thích Thiện Minh. Chính Tướng Trần Văn Hai và Thẩm Phán Trang Sĩ Tấn đã tổ chức họp báo tại chỗ cho ký giả và phóng viên quốc tế chứng kiến tận mắt.
Thứ hai, cũng liên quan đến đám giặc trọc.
Từ giữa đến cuối năm 1968, các toán cảnh sát đặc biệt đã theo dõi và cuối cùng chụp được hình, ghi được âm các vụ hưởng lạc của đám giặc trọc trong Chùa Ấn Quang và Đại Học Vạn Hạnh. Cụ Hương nổi giận, quyết định bỏ ra một số tiền để mướn tờ New York Times loan tải. Tờ báo này vốn thiên tả nên hỏi ý CIA và cuối cùng chính Đại Sứ Ellsworth Bunker gọi sang Dinh Độc Lập yêu cầu cho vụ này chìm xuống.
Vì hai vụ nói trên cộng thêm việc Hoa Kỳ đang chuẩn bị chạy làng và thêm vào đó là việc Quốc Hội Hoa Kỳ ngày càng cắt giảm ngân sách, các đơn vị thuộc Lực Lượng Thám Sát Tỉnh không còn hoạt động mạnh và hữu hiệu như trước đó. Đến năm 1971, Hoa Kỳ áp lực để Việt Nam Cộng Hòa bỏ Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội và quân viện chỉ còn nhỏ giọt cho đến khi chúng ta phải miễn cưỡng ký kết Hiệp Định Ba Lê dẫn đến mất nước.
Khi còn sinh tiền, nhà báo lão thành Chữ Bá Anh có thuật lại những ngày bi thảm của Cụ Trần Văn Hương sau khi chúng ta mất nước.
Ngày 3 tháng Năm 1975, có mấy tay cán bộ đi xe Jeep đến nhà Cụ Trần Văn Hương, một căn nhà nhỏ trong hẻm. Lúc đó, Cụ Hương đang thọ bệnh liệt giường nhưng đám người này gắt gỏng đòi Cụ phải ra cho chúng tra khảo. Người nhà Cụ Hương leo lên gác mặc cho Cụ chiếc áo dài đen rồi dìu Cụ xuống dưới nhà hầu chuyện đám thắng cuộc.
Càng về sau, gia cảnh Cụ Hương càng khó khăn. Cụ phải nhờ người nhà đem các bộ âu phục đem đi bán dần để có tiền độ nhật. Ngày xưa, khi Cụ công du Trung Hoa Quốc Gia, có người biếu Cụ mấy củ sâm. Cụ để dành và đến những ngày cuối đời mới đem đi bán, khi trong nhà không còn một thứ gì khác có thể đem bán được.
Cá nhân tôi thì nhớ mãi Cụ Hương, nhớ từng cử chỉ và lời nói của Cụ. Cụ vẫn gọi chúng tôi là "Các em…"
Đính kèm là thủ bút của Cụ Trần Văn Hương, và hình ảnh Cụ trong những ngày cuối đời.
Comments
Post a Comment