Tác giả Cù Mai Công
* Ở những nơi này có ba tổng thống, phó tổng thống; ba thủ tướng; vài chục văn nghệ sĩ và chính khách cùng trên dưới 20 tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa…
Đó là những khu vực xung quanh, sát trung tâm – ngã ba Ông Tạ buôn bán sầm uất; thật sự gắn bó Ông Tạ. Nhà văn Hoàng Hải Thủy ở cư xá Tự Do, gần ngã tư Bảy Hiền hơn ngã ba Ông Tạ nhưng cuối bài thơ "Áo vàng hoa" ghi rõ "Cư xá Tự Do – Ngã ba Ông Tạ".
CÁC CƯ XÁ, CHUNG CƯ XUNG QUANH "KHOANH VÙNG" ÔNG TẠ
Khu vực bao quanh, vùng ngoại ô, "địa đầu" của Ông Tạ trước 1975 có một loạt các cư xá, được xây dựng gần như đồng thời với quá trình hình thành, phát triển Ông Tạ. Văn nghệ sĩ và sĩ quan, chính khách ở các cư xá này lúc ấy nhiều hơn… tiệm vàng khu Ông Tạ.
* CƯ XÁ TỰ DO trên đường Lê Văn Duyệt nối dài/Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám), đoạn gần ngã tư Bảy Hiền. Đây là khu vực cuối cùng của xã Tân Sơn Hòa. Bót cảnh sát chi Ngã tư Bảy Hiền (xã Tân Sơn Hòa) và trại tiểu đoàn dù Phạm Công Quân đối diện bên kia canh giữ điểm "địa đầu" này. Và đây là khu vực đại tá Việt Nam Cộng hòa Lưu Kim Cương, Bắc 54 Hà Nội, tử trận ngày 6-5-1968 khi giao chiến với lực lượng Quân Giải phóng tấn công phi trường Tân Sơn Nhứt. "Cho một người nằm xuống" là nhạc phẩm mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bạn thân của ông, đã viết về ông.
Cư xá này xưa có hai khu vực: phía ngoài là khu biệt thự, khu nhà giàu mà chủ nhân thường là sĩ quan, chính khách và bên trong là khu bình dân – xóm "nhà lá" của sĩ quan cấp úy, lính tráng Nhảy dù và người bình thường. Tuy nhiên không phải không có "pha trộn" qua lại và giờ thì khu nào cũng xây lại nhà cửa đẹp đẽ như nhau hết rồi.
Có một con hẻm khá rộng giữa cư xá và khu vực xưa là trại dù Phạm Công Quân (sau là bệnh viện Vì Dân, giờ là bệnh viện Thống Nhất). Con hẻm này hồi học lớp Mười trường Nguyễn Thượng Hiền là nơi tôi và thằng bạn thân cãi nhau, nổi nóng, kéo nhau vô đây đánh một trận "đã đời" rồi đi học tiếp. Nhà văn Đoàn Thạch Biền "Tôi thương mà em đâu có hay", "Tôi hay mà em đâu có thương", chủ biên tập san Áo Trắng ở đây. Một ngôi nhà nhỏ, bình yên trong hẻm nhỏ mà tôi đến mấy lần.
Khu này có mấy nhà văn chứ không chỉ nhà văn Đoàn Thạch Biền. Ngay cửa ra vô cư xá có nhà của nhà văn – dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu. Ông sĩ quan Việt Nam Cộng hòa đa tài (nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, dịch giả) Hà Thúc Sinh, Bắc 54 Thanh Hóa cũng ở đây. Ca sĩ Khánh Ly, Hương Lan, Lệ Thu đã hát hàng chục nhạc phẩm mà ông sáng tác sau 1975. Họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành - cựu tổng biên tập báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Đào Đức Hoành (khoa trưởng Đại học Y khoa trước 1975) cũng từng ở đây.
Trong đây cũng có nhà của nhà văn Hoàng Hải Thủy mà hồi tiểu học, tôi chơi thân với con trai út nhà văn là Hoàng Hải Triều, hay đến mượn truyện tranh về đọc. Bạn của con ông, ông coi như con mình, tôi ra vô thoải mái. Nhà ông đâu lưng với nhà của chuẩn tướng Nhảy dù Hồ Trung Hậu, chánh thanh tra Quân đoàn III, tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh.
Sau 1975, tướng Hậu đi cải tạo 13 năm. Gia đình vẫn ở đây chờ ông về - năm 1988. Sau đó, Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh mời ông lên phỏng vấn xuất cảnh diện HO. Về, ông Hậu kể lại cho hàng xóm Hoàng Hải Thủy: Khi vào phỏng vấn thì phía Mỹ biết được ông có một người con đã vượt biên, đang ở Mỹ, nên họ đưa hồ sơ của ông sang diện ODP (đoàn tụ gia đình) thay vì diện HO (sĩ quan cải tạo về0. Nổi nóng vì nghĩ mình đáng được đi diện HO - nhiều ưu đãi hơn, thế là ông chửi ầm ĩ. Người ta phải nhờ bảo vệ đưa ông ra ngoài.
Chưa kịp đi thì năm 1995, ông mất ở nhà này. Sáu tháng sau, vợ con của ông được bảo lãnh xuất cảnh theo diện HO, định cư ở bắc California. Khi ông chưa mất, con gái ông là á hậu Kim Khánh (Hồ Kim Khánh) đã nổi tiếng và cực kỳ nhiều show diễn. Kim Khánh là nữ diễn viên truyền hình, điện ảnh, người mẫu kiêm ca sĩ nổi tiếng thập niên 1990, cùng thời với Diễm Hương, Việt Trinh, Y Phụng, Hiền Mai... Trước khi nổi tiếng, Kim Khánh mở quán cà phê nhỏ tên Các Hoàng Tử ngay nhà mình, dưới tàng cây xoài trái rất ngọt của ngôi nhà.
Kim Khánh không phải là ca sĩ duy nhất nơi đây. Trước cô có một ca sĩ, thậm chí còn là nhạc sĩ lừng lẫy miền Nam xưa: Duy Khánh. Ông có nhiều nhạc phẩm rung động lòng người miền Trung: "Ai ra xứ Huế", "Xin anh giữ trọn tình quê", "Thư về em gái Thành đô"... Ông vốn gốc Triệu Phong, Quảng Trị; thuộc dòng dõi quận công Nguyễn Văn Tường, phụ chánh đại thần triều Nguyễn.
Khi cất giọng, ông thành một trong "tứ trụ nhạc vàng" Sài Gòn thời kỳ đầu (ba người còn lại là: Nhật Trường, Hùng Cường, Chế Linh). Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận xét: "Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh". Ca sĩ Duy Khánh một trong những người ca sĩ Việt Nam phát âm tiếng Việt hay và chuẩn nhất qua ca từ.
Chính khách nổi tiếng, từng là đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Mỹ từ 1967 đến 1972 là Bùi Diễm cũng ở đây (vừa mất hồi tháng 10-2021). Ông Bắc 54 Hà Nam, con nhà nho Ưu Thiên Bùi Kỷ theo Việt Minh. Cô ruột của ông là vợ học giả Trần Trọng Kim, thủ tướng Đế quốc Việt Nam - một "đế quốc" tồn tại chỉ năm tháng (từ tháng 3 đến tháng 8 - 1945) do Đế quốc Nhật dựng nên, kiểm soát và chi phối.
Sau 1975, ông rời cư xá, định cư bên Mỹ; rất thân với kiến trúc sư nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975 Nguyễn Văn Hoa thiết kế, xây dựng khách sạn 10 tầng đầu tiên ở Sài Gòn Caravelle. Ở Mỹ, năm 2004, ông viết hồi ký "Gọng kìm lịch sử" bằng tiếng Anh "The jaws of history", sau viết lại bằng tiếng Việt. Cuốn sách thứ hai của ông là "Vietnamese economy and its transformation to an open market system" (Kinh tế Việt Nam và sự chuyển đổi sang thị trường mở). Năm 2017, ông xuất hiện trong vai trò chứng nhân trong các tập phim Chiến tranh Việt Nam do đài PBS (Mỹ) sản xuất.
Trước 1975, khi thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Phan Huy Quát chấp chính năm 1965, ông Bùi Diễm giữ chức tổng trưởng Phủ Thủ tướng. Trong nội các của Ủy ban Hành pháp Trung ương, ông là ủy viên ngoại giao (1965 - 1967).
Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (thủ tướng) lúc ấy là thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Không biết có phải do hai ông Nguyễn Cao Kỳ và Bùi Diễm là hàng xóm trong cư xá này với nhau nên ưu ái không? Cũng năm 1965, ông Kỳ bổ nhiệm ông giáo Cảnh (Phùng Ngọc Cảnh), hiệu trưởng trường tiểu học tư thục Fatima bên hông nhà thờ Sao Mai, cách cư xá Tự Do vài trăm mét, cùng quê Sơn Tây với ông, làm hiệu trưởng trường Quốc Gia Nghĩa Tử trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) cơ mà. Năm 1967 – 1971, ông Kỳ làm phó tổng thống nền Đệ nhị cộng hòa. Tổng thống là Nguyễn Văn Thiệu.
Vô cổng cư xá Tự Do, quẹo phải, cuối đường là nhà ông Kỳ. Vậy mới hiểu tại sao vài ngày trước 1975, ông Kỳ tìm đến Lộc Hưng - Ông Tạ, phát biểu hùng hồn trước khoảng 6.000 bà con Ông Tạ kêu gọi phòng thủ Sài Gòn: "Tôi sẽ ở lại Sài Gòn và chiến đấu cho tới chết, những kẻ chạy theo Mỹ là hèn nhát". Cuối cùng, sáng 29-4-1975, từ Bộ Tổng tham mưu cách cư xá Tự Do hơn cây số, ông Kỳ tự lái trực thăng UH.1 bay ra hàng không mẫu hạm Midway để di tản sang Mỹ.
* Dọc đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), chỉ nửa cây số có một loạt năm cư xá, chung cư.
Đầu đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) bên trái là bệnh viện dã chiến số 3 của Mỹ. Đối diện là cư xá dành cho lính Mỹ. Sau 1975 đại tá Bùi Văn Tùng của Quân Giải phóng, người tiếp nhận đầu hàng của Tổng thống – đại tướng Dương Văn Minh ở đây một thời gian. Con gái ông là Bùi Quỳnh Hoa, học Ngô Sĩ Liên, sau tôi hai lớp.
Đi thêm vài chục mét nữa, bên trái là cư xá Việt Nam Thương Tín (thường gọi là cư xá Ngân Hàng) gần đầu đường Thoại Ngọc Hầu, đối diện trường Ngô Sĩ Liên. Trong cư xá này trước 1975 có nhà ông Hoàng Đức Nhã. Năm 1968, mới 26 tuổi (ông sinh năm 1942), ông Nhã đã làm bí thư kiêm tham vụ Báo chí của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; từ tháng 4-1973 ông làm tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi. Có lần, trả lời VOA, ông đính chính mình không phải cháu ông Thiệu mà là anh em bà con với ông Thiệu, cụ thể ba ông Thiệu là anh ruột má ông Nhã (tức ông Thiệu và ông Nhã là anh em cô cậu ruột).
Thêm vài chục mét nữa, bên phải là một chung cư nhỏ ngay ngã tư Thoại Ngọc Hầu – Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ).
Qua ngã tư vài chục mét, bên trái có một cư xá, thông ra đường Lê Văn Sỹ hiện nay, đầu đường là phở Phú Vương có tên trong các tour guide. Cư xá này cùng với cư xá Ngân hàng cách đó khoảng 150m là hai trong hàng chục cư xá của một mô hình cụm nhà ở rất độc đáo, sống cùng tự nhiên của Sài Gòn trước 1975: toàn bộ nhà trong cư xá nhìn ra một công viên nhỏ, như một giếng trời chung của cư xá. Nhiều cư xá như vậy đã được xây dựng trên đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ), Cách Mạng 1-11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi).
Trong cư xá Thoại Ngọc Hầu có nhà đại tá Huỳnh Văn Tồn, cựu tỉnh trưởng Gia Định. Ông Tồn khá "chịu chơi" khi mở Cours de danse và làm chủ vũ trường Mai ở xa lộ Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội).
Đầu ra vô cư xá này phía bên Trương Minh Ký có biệt thự nho nhỏ của luật sư Trương Đình Dzu, tranh cử tổng thống với ông Thiệu nhiệm kỳ 1967-1971. Hoạt động của ông này khá phức tạp. Trong 11 liên danh tranh cử năm đó, liên danh của ông về nhì, chiếm 17% số phiếu sau liên danh của hai ông Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ. Tất cả đều là dân Ông Tạ,
Lập trường của luật sư Trương Đình Dzu là ngưng chiến tranh, chấm dứt oanh tạc miền Bắc và thương thuyết với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Vì vậy, ông bị dư luận miền Nam lúc đó coi là thành phần "thân Cộng". Thế là sau cuộc bầu cử này, ông bị bắt giam đến tận gần 30-4-1975 mới được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Hương ra lệnh thả.
Sau 1975, ông Trương Đình Dzu tham gia Hội Trí thức yêu nước nhưng cũng bị đi cải tạo với vợ và con trai út, từ 1978-1987, nghe nói vì tội làm gián điệp cho CIA.
Lạ hơn nữa là con ông là David Trương Đình Hùng vốn du học Mỹ từ năm 1965, đến tháng 1-1978 thì bị FBI bắt về tội gián điệp cho chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Một tòa án Mỹ tuyên Trương Đình Hùng 15 năm tù.
Cũng ở đầu này có nhà giáo sư luật khoa NVC, rồi nhà thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Cộng hòa (nay là phở Phú Vương). Trong cư xá này có cà phê Đỉnh Thiêng nổi tiếng một thời.
Từ đây đi thêm 100m nữa là building Đại Lợi cho Mỹ thuê làm chỗ ở cho sĩ quan Mỹ.
Cư xá Trương Minh Giảng (thường gọi là cư xá Kiến Thiết do ở khu Kiến Thiết trên đường Đặng Văn Ngữ hiện nay). Khu cư xá này về hành chính thuộc Phú Nhuận nhưng dân ở đây toàn Bắc 54, trước 1975 gắn chặt với chợ Ông Tạ hơn chợ Bùi Phát. Nhà thờ chính nơi đây tên Tân Hòa, cùng cụm "hòa" với các giáo xứ Ông Tạ: Chí Hòa, Nam Hòa, Nghĩa Hòa, Thái Hòa. Trẻ con Tân Chí Linh xứ tôi và trẻ con Tân Hòa nhẵn mặt nhau, gần hơn với trẻ con Nghĩa Hòa.
Cũng ít ai chú ý, cư xá sĩ quan (Việt Nam Cộng hòa) khu "địa đầu" Ông Tạ không chỉ một cư xá sĩ quan Chí Hòa mà là hai, thậm chí ba cư xá sĩ quan.
Trong đó có một khu vực có thể coi là một cư xá "mở" dành cho các sĩ quan Nhảy dù, gần trại Sư đoàn dù Hoàng Hoa Thám. Nhiều tướng tá Nhảy dù "cộm cán" từng có nhà ở đây: trung tướng Dư Quốc Đống (phụ tá Tổng tham mưu trưởng, tư lệnh Quân đoàn III), chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng (tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù), đại tá Đoàn Văn Nu (chỉ huy trưởng Nha Kỹ thuật, thực chất là cơ quan tình báo chiến lược của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, đặc trách tổ chức, hoạt động biệt kích thu thập tin tức tình báo, phản tình báo chiến lược chống lại chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam), đại tá Phạm Ngọc Lân (tham mưu trưởng Sư đoàn Nhảy dù), đại tá Phát (lữ đoàn trưởng Sư đoàn Nhảy dù), các trung tá Trang, Hàm, Nhược...
Một cư xá sĩ quan nữa dân thường ít biết, cũng dễ hiểu vì tới giờ, nó vẫn là khu vực quân sự. Trước 1975 là Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa (nay là Bộ Tư lệnh Quân khu 7). Chỉ "người trong cuộc" mới biết cư xá sĩ quan Trần Hưng Đạo, sát tường rào trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ). Ra vô bằng cổng số 2 Bộ Tổng tham mưu. Hàng loạt tướng tá tên tuổi, lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cao cấp nhất từng ở đây.
Cùng cư xá Annapolis dành cho lính Mỹ trên đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt, các cư xá này thể hiện rất rõ khu vực "lan tỏa" của Ông Tạ đến đâu (xem bản đồ).
NGOẠI VI ÔNG TẠ CÓ KHU CƯ XÁ SĨ QUAN VIP NHẤT MIỀN NAM TRƯỚC 1975
Sau khi kéo quân Sư đoàn 9 từ Bến Tre về phản đảo chính, cứu Tổng Thống Diệm bất thành năm 1963, rồi tham gia đảo chính lật đổ Nguyễn Khánh ngày 19-2-1965 thất bại, đại tá Bùi Dzinh bị tuyên tử hình, rồi tha nhưng coi như bị "loại ngũ".
Một số vị sĩ quan sợ liên lụy nên tránh né quan hệ. Riêng đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh, (chỉ huy trưởng Trường Sĩ quan Chiến tranh Chính trị Đà Lạt) là hàng xóm đầu tiên cùng gia đình ông bên kia đường Nguyễn Văn Thoại, đại tá Nguyễn Hữu Duệ (Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống thời Tổng thống Diệm) vẫn ghé thăm ông. Rồi ông Việt, cháu phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và là chồng nữ minh tinh Mai Ly cũng thường ghé vị đại tá luôn quan niệm "trung thần bất sự nhị quân" (tôi trung không thờ hai chúa) này.
Khi dời nhà về đối diện hồ tắm Cộng Hoà, thỉnh thoảng thiếu tướng Trần Bá Di (khoá sau Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt) và thiếu tướng Lâm Quang Thơ (chỉ huy trưởng Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt), bạn đồng khoá với ông Dzinh vẫn ghé thăm, đàm đạo thời cuộc.
Tuy thất sủng, hàng năm, mỗi khi họp mặt khoá sĩ quan Trần Hưng Đạo tại Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Không quân Câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc…, ông Dzinh đều dự với tư cách trưởng khoá. Con trai ông là Bùi Dzũng cũng được cha dắt đi vài lần.
Không chỉ là vào chơi vì đây là nơi cha con, gia đình ông từng ở. Cụ thể năm 1960, sau góp phần đảo chính làm thất bại cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi, gia đình ông Dzinh chuyển vào cư xá sĩ quan trong trại Trần Hưng Đạo (Bộ Tổng Tham mưu); ra vô bằng cổng số 2 trại Trần Hưng Đạo, trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ).
Năm 1961 khi ở đây, ông Dzinh là trung tá, tư lệnh phó Sư đoàn 5 Bộ binh; 1962 là đại tá tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ binh. Lúc ấy ông Ngô Dzu là trung tá, làm ở Bộ Tổng tham mưu.
Gia đình các ông sĩ quan cao cấp sau này của Việt Nam Cộng hòa như đại tướng Trần Thiện Khiêm, trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, trung tướng Ngô Dzu, trung tướng Lữ Mộng Lan, trung tướng Tôn Thất Đính, thiếu tướng Trần Thanh Phong… trước 1963 cũng ở cư xá này và lúc ấy cấp tá như đại tá Bùi Dzinh.
Chị vợ ông Khiêm là giám thị trường Tân Sơn Hòa (nay là Ngô Sĩ Liên).
Nhiều sĩ quan khu cư xá sĩ quan cao cấp này đã tham gia đảo chính 1-11-1963 với vai trò chủ chốt, bắt đầu bằng cuộc họp của Hội đồng Quân nhân Cách Mạng sáng 1-11 ngay trong Bộ Tổng tham mưu do trung tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch. Ngay sau đảo chính thành công, con đường phía trước đã được đổi tên là Cách Mạng 1-11 (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi).
Nếu không bị thất sủng sau vụ kéo quân Sư đoàn 9 từ Bến Tre về "cứu giá" Tổng thống Ngô Đình Diệm, có lẽ đại tá Bùi Dzinh không khó lên tướng. Những vị tá ủng hộ Hội đồng Quân nhân Cách mạng đã có ngay hai sao thiếu tướng như tư lệnh Sư đoàn 5 Nguyễn Văn Thiệu, tư lệnh Sư đoàn 21 Bùi Hữu Nhơn, tư lệnh Sư đoàn 7 Nguyễn Hữu Có...
Thực tế những người cùng Khoá 3 Trường Võ bị Đà Lạt với đại tá Dzinh như trung tướng Nguyễn Xuân Thịnh (chỉ huy trưởng Pháo binh Trung ương), trung tướng Hoàng Xuân Lãm (phụ tá tổng trưởng Quốc phòng), trung tướng Lữ Mộng Lan (hai lần chỉ huy trưởng Trường Cao đẳng Quốc phòng) và trung tướng Lâm Quang Thi, biệt danh Tướng pháo binh" (tư lệnh tiền phương Quân đoàn I)… trước cuộc đảo chính 1963 cùng cấp bậc đại tá như ông Dzinh.
Khu cư xá sĩ quan Trần Hưng Đạo không nhiều nhà như bên cư xá sĩ quan Chí Hòa. Đó là các dãy nhà hai tầng xây thời Pháp trong cổng số 2 trại Trần Hưng Đạo, dọc theo đường Võ Tánh đến gần cổng chính vào Bộ Tổng tham mưu. Mỗi dãy khoảng 20 căn, măt tiền nhìn ra hàng rào có lô cốt dọc đường Võ Tánh (nay là khu khách sạn Tân Sơn Nhất). Mỗi căn đều có sân nhỏ ở phía trước trồng bông sứ, trứng cá; phía sau vườn đất rộng hơn làm gara hoặc xây nhà cho gia nhân ở.
Sáng sáng, niên khóa 1961-1962, con trai lớn của ông là Bùi Dzũng tự lên xe buýt vàng Phú Nhuận - Bảy Hiền, vòng Lăng Cha Cả đến trạm cuối giữa nghĩa địa Tây và ngã Tư Bảy Hiền xuống xe đi bộ đến trường Đắc Lộ (nay là Ngô Quyền), học lớp Đệ thất (lớp Sáu).
Mấy đứa em của Dzũng học Trường tiểu học quân đội Trần Hưng Đạo trong trại Trần Hưng Đạo với các con của trung tá Ngô Dzu. Bà Ngô Dzu người Huế, có cô em sau này là ca sĩ Vi Vân. Vi Vân là bạn học cùng trường tiểu học Hoài An với cô em út của ông Bùi Dzinh.
Sau đảo chính 1-11-1963, do thuộc thành phần phản đảo chính, ngôi nhà của đại tá Dzinh ở Nguyễn Văn Thoại bị tịch thu (sau trả lại); căn nhà trong cư xá sĩ quan Trần Hưng Đạo bị lấy, chuyển cho gia đình trung tá Cao Hảo Hớn (sau này là trung tướng).
Ông Ngô Dzu còn có một căn biệt thự ở khu chỉnh trang vườn cao su Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt); sau này cũng lên trung tướng rồi giải ngũ thời Tổng thống Thiệu, chính thức là bệnh tim, nhưng nghe đâu vì lem nhem, tham nhũng.
Khi ở đây, ông Nguyễn Văn Thiệu mang lon đại tá như đại tá Bùi Dzinh, tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh. Khi thấy ông Dư Quốc Đống, lúc ấy là trung tá tư lệnh phó Lữ đoàn Nhảy dù mua miếng đất lớn đốí diện nghĩa địa Thánh Minh (nay là chợ Phạm Văn Hai), cũng tính mua miếng đất lớn bên cạnh. Hai vợ chồng lân la làm quen một nhà buôn gần đó tìm hiểu và nhờ liên hệ, thương lượng với chủ đất là một gia đình người Nam cố cựu. Khi nào bà Thiệu ngồi xích lô đạp từ cư xá sĩ quan Trần Hung Đạo đi chợ Ông Tạ cũng ghé tiệm buôn này hỏi thăm tình hình đất tính mua. Cả hai miếng này cách nhà tôi vài chục mét.
"Giấc mộng sắp thành" thì xảy ra đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Ông Thiệu lúc đó tham gia tích cực, thuộc nhóm chủ chốt Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Thế là ông bỏ dự tính này, rất ít về ngôi nhà trong cư xá Trần Hưng Đạo mà chuyển về nhà mới ở trung tâm Sài Gòn. Tuy nhiên, khi tổ chức vu quy cho trưởng nữ, ông bà Nguyễn Văn Thiệu không tổ chức ở Dinh Độc Lập mà tổ chức tại ngôi nhà này. Thậm chí đêm rời Việt Nam, từ Dinh Độc Lập, cựu Tổng thống Thiệu đã về lại ngôi nhà xưa, ngậm ngùi thay quần áo rồi đi xe vào phi trường Tân Sơn Nhứt.
Ông Đống cũng bán miếng đất của mình cho trung tá Huệ để xây rạp Đại Lợi (nay là trung tâm hội nghị - tiệc cưới trước chợ Phạm Văn Hai). Mua xong, ông Huệ "thâu" luôn miếng đất ông Thiệu nhắm trước đó, xây building Đại Lợi bảy tầng, cho Mỹ thuê. Khi xây rạp hát lẫn building, ông Huệ mua thiếu gạo nhà tôi để nấu cơm cho thợ ăn hàng ngày, cuối tuần ông trả một lần.
Không rõ có phải một trong những lý do ông Thiệu bỏ dự định mua miếng đất gần sát trung tâm Ông Tạ này là do ông e ngại dân Ông Tạ nhiều người vốn ủng hộ Tổng thống Diệm hay không?
(Tuy nhiên, sau đó bà Thiệu và bà Khiêm - hàng xóm thân thiết trong cư xá sĩ quan Trần Hưng Đạo - vẫn tiếp tục gắn với Ông Tạ: bà Thiệu xây bệnh viện Vì Dân; bà Khiêm xây trường Ngô Sĩ Liên, xây chùa An Quốc trong cư xá Bắc Hải - đang xây dang dở thì 1975 phải bỏ).
Thực tế sau đó một năm, năm 1964, hàng ngàn người Ông Tạ kéo lên Bộ Tổng tham mưu biểu tình chống đại tướng Nguyễn Khánh. Lúc đó, ông Khánh làm quốc trưởng và thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa, kiêm luôn tổng tư lệnh và tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa (giai đoạn 1964 – 1965). Năm 1974, dân Ông Tạ lại kéo nhau làm một loạt cuộc biểu tình chống tham nhũng rất dữ dội trước nhà tôi và trước miếng đất ông tính mua, phát loa hài từng tội ông Thiệu, kết tội ông là "tham nhũng gộc" và đòi ông từ chức.
¤¤¤¤¤
NĐK
Comments
Post a Comment